Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vắc xin tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 ở Đông Nam Á.
Theo báo Tuổi trẻ đưa tin, chiều 8/11, tại phiên thảo luận của Quốc hội, ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, ông Long cho biết, đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta làm lây lan nhanh, mạnh, có khả năng tăng nặng bệnh, gây tác động nghiêm trọng đến >sức khỏe người dân và ảnh hưởng lớn đến >đời sống xã hội. Song hiện tại, những địa phương là tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đã kiểm soát được số ca nhiễm, ca tử vong; dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc cơ bản được kiểm soát.
Bên cạnh, ông Long cũng cho biết, chiến lược vắc xin đã triển khai rất hiệu quả, từ mua, nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất trong nước, tổ chức chiến dịch tiêm chủng... Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều. Đẩy nhanh tốc độ đưa vắc xin về trong cuối năm nay để phục vụ người dân.
Tính đến ngày 7/11, cả nước đã tiêm hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi. Số lượng vắc xin còn lại hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay, đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau.
"Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vắc xin tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia), đứng thứ 7 trong châu Á và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần" - ông Long nói.
Ông cũng thông tin thêm là đang tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc xin trong nước với 2 loại vắc xin đang thử nghiệm giai đoạn 3, 1 vắc xin đang thử nghiệm giai đoạn 2 cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên thế giới.
Theo thông tin báo Giao thông, nói về những bất cập của y tế cơ sở, y tế dự phòng, ông Long cho hay dù đã được đầu tư nhưng hệ thống này còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch. Do đó, thời gian tới sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.
Đối với việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, ông Long cho hay Chính phủ đã ban hành nghị quyết 128. Đến nay, việc triển khai đã được thực hiện cơ bản đồng bộ; các địa phương đã không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả.