Chân dung một số người theo Hội thánh Đức Chúa Trời khiến nhiều người sửng sốt bởi sự cuồng tín của họ, thậm chí ở cả người có trình độ và địa vị xã hội.

11:35 28/04/2018

Cho đến chiều 27-4, anh Nguyễn Văn Ch. (34 tuổi, ở xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn chưa tìm được vợ là chị NTH (31 tuổi) đang đi theo Hội thánh Đức Chúa Trời.

Trước đó anh Ch. đi tìm vợ thì bị một nhóm người đe dọa chặt gót chân. Anh đang rất lo lắng cho vợ và ba con (hai bé sinh đôi sáu tuổi, một bé út ba tuổi).

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM sáng 27-4, Đại tá Đỗ Xuân Sơn, Trưởng Công an huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa, cho biết đã có nhiều phụ nữ bỏ cả chồng lẫn con đi khỏi địa phương biệt tăm biệt tích nhiều tháng không trở về khiến chồng con, người thân mòn mỏi đợi chờ.

Vợ chồng vào hội, không dám sinh con

Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, Hội thánh Đức Chúa Trời xuất hiện lần đầu tiên tại Hà Tĩnh từ tháng 5-2016, bắt nguồn từ một nhóm người ở các tỉnh phía Bắc do Thiều Văn H. (32 tuổi, ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) làm trưởng nhóm.

Lần theo địa chỉ trên, chúng tôi tìm về quê trưởng nhóm Thiều Văn H. Tuy nhiên, H. không ở nhà mà đã cùng người vợ quê Hà Nội đi truyền bá Hội thánh Đức Chúa Trời ba năm nay. Một số người cho rằng sau khi nhóm vợ chồng H. bị xử phạt, đuổi ra khỏi Hà Tĩnh, họ đã vào Thừa Thiên-Huế “hành nghề”.

H. có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, mồ côi mẹ lúc mới lên năm tuổi. Người cha vừa làm nông vừa đạp xích lô, chạy xe lôi nuôi các con ăn học.

Thiều Văn H., người chuyển từ bán hàng đa cấp sang tuyên truyền cho Hội thánh Đức Chúa Trời. Ảnh: Đ.LAM

Sau khi tốt nghiệp THPT, H. không thi đại học, cao đẳng mà đi học nghề cơ khí. Rồi cơn lốc bán hàng đa cấp ập đến, H. bị cuốn theo.

Bà Trịnh Thị M., xóm trưởng xóm H. ở, cho biết: “Từ một người thợ cơ khí chăm chỉ, H. ăn mặc lịch sự về xóm mở hội thảo, thuyết giảng, lôi kéo người dân tham gia bán hàng đa cấp. Một thời gian sau, việc bán hàng đa cấp bị đổ bể. H. ra Hà Nội học nghiệp vụ gì đó rồi bị nhóm bạn ở Hà Nội rủ rê tham gia Hội thánh Đức Chúa Trời. 

Nhiều người dân trong khu nhà H. cho biết trước kia H. hiền lành, chăm chỉ làm ăn, rất thương cha và bà nội. Không biết có ma thuật gì mà H. đã trở nên mê muội, rời nhà đi theo nhóm truyền đạo mấy năm nay. Ngày H. cưới vợ, hàng xóm thấy nhiều người mặc áo trắng đến dự, nhưng từ đó đến nay cả hai vợ chồng cũng chưa sinh con.

Bà M. là người từng tiếp cận và khuyên vợ H. nên sớm sinh con để xây dựng hạnh phúc gia đình. Lúc ấy, vợ H. trả lời: “Cháu không thể sinh con, lý do không sinh con chỉ có chồng hiểu được thôi”.

Người dân và người thân cũng cho biết ba năm nay, kể từ ngày H. rời nhà ra đi theo Hội thánh Đức Chúa Trời thì vào ngày giỗ mẹ và lễ, Tết H. đều về. Tuy nhiên, H. không thắp hương, không ăn đồ thờ cúng như trước. Lần nào về nhà, điện thoại H. cũng có cuộc gọi tới liên tục khiến anh phải nhanh chóng vay mượn tiền mua vé xe, khăn gói ra đi. 

Người thân cũng cho biết dù đã khuyên ngăn vợ chồng H. nhiều lần nhưng cả hai vẫn rời nhà đi.

Hiệu phó bỏ việc đi theo hội thánh

Sáng 27-4, Đại tá Đỗ Xuân Sơn, Trưởng Công an huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa, cho biết trên địa bàn huyện, trong số những người đi theo Hội thánh Đức Chúa Trời có trường hợp từng đang là hiệu phó của một trường tiểu học. Người này sau đó đã bị cấp trên cách chức vì không hoàn thành nhiệm vụ, vắng nhiều ngày ở trường.

Đại úy Đinh Văn Toàn, Đội phó Đội An ninh Công an huyện Ngọc Lặc, người trực tiếp tìm hiểu, xác minh các trường hợp tham gia vào Hội thánh Đức Chúa Trời, cho biết khoảng cuối năm 2017, trên địa bàn huyện bắt đầu xuất hiện những người lạ mặt. Những người này thuê nhiều địa điểm khác nhau để rao giảng đạo trái pháp luật. Họ chủ yếu đến từ Hải Phòng, hoặc đến Hải Phòng theo học rồi đi theo hội để rao giảng đạo.

Mục tiêu mà những người này là lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên, phụ nữ, người nghèo khổ, người có hoàn cảnh éo le, đặc biệt khó khăn. Chưa kể còn có một số người là công chức cũng bị dụ dỗ gia nhập hội.

“Có trường hợp là sinh viên đang theo học ở Trường ĐH Hàng hải (Hải Phòng) bất ngờ bỏ học, trở về quê để lôi kéo mọi người tham gia vào hội. Trước tiên, sinh viên này về lôi kéo em trai, em gái và cả mẹ mình tham gia vào Hội thánh Đức Chúa Trời. Sau đó gia đình bốn người đã bỏ nhà để đi theo hội, mặc anh em họ hàng ngăn cản” - Đại úy Toàn kể.

 

Một địa chỉ Hội thánh Đức Chúa Trời hoạt động tốt đời đẹp đạo

Ngày 26-4, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM, thông tin: Trên địa bàn hiện có Hội thánh Đức Chúa Trời thuộc Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành thế giới, đăng ký sinh hoạt tôn giáo Tin Lành tại địa điểm 352/5C Lê Văn Quới. Được sự thống nhất của Ban Tôn giáo TP.HCM và Phòng Nội vụ quận Bình Tân, phường đã cấp phép cho hội hoạt động vào ngày 28-7-2017. 

Hội do ông Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 1984) thành lập. Ông Hòa cũng là chủ căn nhà nơi sinh hoạt của hội. Hằng năm ông Hòa phải gửi nội dung, chương trình sinh hoạt tôn giáo, danh sách tín đồ cho địa phương nắm. Ngoài ra, hằng tuần khi tổ chức các hoạt động sinh hoạt tôn giáo có đông người hoặc các chương trình lớn trong năm thì phải báo cáo, cam kết đảm bảo an ninh trật tự. Thời điểm đăng ký hội có 216 tín đồ, được biết thời điểm hiện tại số lượng tín đồ đã tăng hơn 300.

Ông Nghĩa khẳng định hội chỉ được cấp phép sinh hoạt tôn giáo tại địa điểm đăng ký, không được phép ra công viên, bến xe, trường học truyền đạo. 

Qua ghi nhận, hoạt động của hội bình thường so với những điểm Hội thánh Tin Lành khác, chưa nhận được phản ánh bất thường nào. Hội cũng tham gia tích cực phong trào địa phương, phụng dưỡng một mẹ Việt Nam anh hùng mỗi tháng 2 triệu đồng, vận động hiến máu nhân đạo. 

HOÀNG LAN

Năm điều cần nhớ khi gặp người >truyền đạo trái phép

Không tiếp xúc; từ chối cung cấp thông tin cá nhân; báo hiệu nguy hiểm với gia đình, bạn bè, các tổ chức đoàn hội; cân nhắc khi nộp tiền “phí sinh hoạt”, “hội phí”; từ chối bỏ học, bỏ làm đi truyền đạo.

 

Theo Đắc Lam - Đặng Trung/Pháp luật TPHCM