Biến chủng nCoV mới từ Anh có thể lây qua các giọt bắn lơ lửng trong không khí trước khi đáp xuống bề mặt, đột biến làm virus dễ xâm nhập vào tế bào người.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, biến chủng nCoV Anh vẫn lây qua giọt bắn như chủng cũ nhưng đột biến làm virus dễ dàng bám và xâm nhập tế bào cơ thể người hơn.
Theo nhóm nghiên cứu của bệnh viện này, một số giọt dịch siêu nhỏ dạng aerosol mang virus có thể rơi lơ lửng trong không khí một thời gian trước khi bám xuống bề mặt. Nếu nồng độ trong không khí dày đặc do môi trường khép kín, thông gió kém, nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao.
Các nghiên cứu khác cũng cho biết, chủng mới nCoV của Anh tăng độc lực khoảng 30%, khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng cũ. Các tỉnh phía Bắc đang vào mùa lạnh sẽ giúp kéo dài khả năng sống sót của virus ngoài môi trường hơn là thời tiết nắng nóng ở miền Trung và Nam.
Theo dõi diễn tiến bệnh của các bệnh nhân Hải Dương đang điều trị, các bác sĩ nhận thấy dường như biến thể Anh khiến tổn thương phổi sớm hơn so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, điều này cần theo dõi kỹ, trên nhiều bệnh nhân hơn nữa mới có thể kết luận.
Ngày 1/2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM công bố kết quả giải trình tự gene bệnh nhân 1660, 28 tuổi, nhiễm biến thể nCoV từ Anh. Chủng virus của bệnh nhân 1660 mang 17 đột biến tiêu biểu của biến chủng B.1.1.7. Ngày 2/2, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) công bố kết quả giải trình tự gene 11 bệnh nhân từ Hải Dương, Quảng Ninh chủng nCoV tương tự biến thể B.1.1.7 từ Anh.
Một số bằng chứng cho thấy bệnh nhân nhiễm biến thể B.1.1.7 có lượng nCoV trong cơ thể nhiều hơn. Kể từ khi xuất hiện hồi tháng 12/2020, biến thể nCoV B.1.1.7 của Anh đã lây lan ra ít nhất 70 quốc gia trên thế giới, khiến số ca nhiễm tăng đột biến.
Vào đợt dịch trước đây, các chuyên gia tính toán chu kỳ lây nhiễm khoảng 4-5 ngày, nhưng lần này chỉ 1-2 ngày. Đặc biệt, thời gian khởi phát của bệnh rất nhanh. Các bệnh nhân trong ngày thứ 2 đã xuất hiện virus vùng hầu họng, từ đó khả năng nhân lên của virus và đào thải mầm bệnh lần này rất cao.
Đáng chú ý, trước đây, virus lây từ người này qua người khác, nhưng với đợt dịch này, virus lây theo đường không khí. nCoV biến chủng Anh có thể tồn tại trong không khí lâu hơn, người trong khu vực đó nếu không phòng ngừa sẽ dễ nhiễm bệnh.
Theo các chuyên gia, nCoV dù biến đổi thế nào thì vẫn là virus hô hấp, vẫn bị ngăn chặn bởi lớp chắn khẩu trang. Do đó, để phòng bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt việc mang khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn nơi công cộng. Khi virus tồn tại trong môi trường lâu hơn, cần sát khuẩn tay, nhiệt độ từ 27 trở lên, mở cửa sổ thông thoáng.