Bị rắn cắn nhưng thay vì đưa con đi bệnh viện, gia đình đưa bé gái đến gặp ba ông thầy lang khác nhau điều trị. Hậu quả là vết thương do rắn cắn ở chân nặng dần, hoại tử.

06:32 01/07/2018

Thông tin này được bác sĩ Võ Hòa Khánh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện (BV) Chấn thương chỉnh hình TP.HCM (CTCH) cho biết trong ngày 30/6, khi nơi đây vừa tiếp nhận một bệnh nhi 13 tuổi trong tình trạng tổn thương chân khá nặng.

Bé gái Măng Thị S. (13 tuổi, người dân tộc thiểu số) nhập viện chiều 29/6 trong tình trạng lở loét mu bàn chân, lòi xương.

Vết thương lở loét, lòi xương do bị rắn cắn.

Bệnh nhân cho biết cách đó 1 tháng, khi đi đưa cơm cho bà nội thì bị rắn cắn nhưng vì tối quá nên không biết rắn gì. Khi đó máu chảy rất nhiều. Gia đình đã tự garo và hút nọc rắn bằng miệng rồi đưa đến gặp thầy lang.

"Thầy thứ nhất dùng nước phun vào vết thương và đưa cho 2 lít nước để bé uống. Tôi phải đi vay mượn hết 700 ngàn trả tiền nhưng vết thương vẫn sưng. Qua thầy thứ 2 thì dùng vật gì đó hình tròn tròn đặt vào vết rắn cắn để hút nọc cũng không khỏi. Đến thầy thứ 3 thì không rõ ông ấy làm gì. Sau 1 tuần đi thầy lang thì chân bắt đầu bưng mủ, loét ra, lòi xương" – người nhà bé kể.

Người nhà và bé S. (phải) kể lại sự việc.

Thấy con đau đến nỗi không ngủ được, không thể tự đứng dậy đi vệ sinh, người nhà khi đó mới đưa bé vào BV tỉnh Ninh Thuận. Tại đây, bệnh nhân được cắt lọc và nằm điều trị ba tuần trước khi chuyển lên tuyến trên.

Khi đến BV CTCH, bé S. vẫn còn tỉnh táo, niêm mạc hồng nhưng bàn chân phải hoại tử mất da nặng, lộ xương bàn chân, nhiễm trùng viêm xương. Bệnh nhi được nhập viện tại khoa Cấp cứu, cho làm các xét nghiệm và dùng thuốc để chuẩn bị phẫu thuật.

Chân bé đã được sơ cứu để chờ 2 ca phẫu thuật sắp tới.

BS Võ Hòa Khánh cho biết, bé S. phải trải qua ít nhất 2 lần mổ vì xương đã hỏng. Các bác sĩ sẽ tiến hành nạo xương, phẫu thuật cắt lọc, cắt bỏ xương hoại tử, chăm sóc vết thương lên mô hạt. Sau 1 thời gian ổn định mới phẫu thuật lần 2 để xoay vạt da, nối gân.

Theo Hoàng Lê/Kênh 14/Thời Đại