Anh Phạm Hoàng T.L. sinh năm 1986 chia sẻ về hành trình vượt qua Covid-19 của gia đình anh, khi cả 3 thế hệ cùng nhiễm COVID-19 và cùng theo dõi tại nhà thành công.
Anh T.L sống tại phường 5, quận 8, TP.HCM kể, trong con hẻm nhỏ nơi anh ở, có nhiều người mắc Covid-19 và đã được đưa đi cách ly. Gia đình anh luôn luôn ở trong nhà vì cũng sợ dịch bệnh.
Nhà cửa rộng rãi, thoáng mát nhưng không hiểu sao vẫn mắc Covid-19. Ngày đầu người hàng xóm đối diện cửa nhà anh L. khăn gói đi cách ly thì 1,2 hôm sau các thành viên trong gia đình anh L. bắt đầu có triệu chứng ho, sốt, nhức đầu.
Ba anh L. lo nhất, ông sinh năm 1959, là thương binh nặng, nếu không may nhiễm Covid-19 thì rất nguy hiểm. Mẹ anh L. cũng 60 tuổi. Cả nhà nóng lòng lo lắng nếu mắc Covid-19. Bản thân anh L. lúc đầu cũng lo nhưng sau đó anh nghĩ phải bình tĩnh lại.
Xét nghiệm Covid-19 cho kết quả 8 người trong gia đình đều dương tính. Khi tuyến đầu các cơ sở y tế đều quá tải thì anh L. xác định cả gia đình mình sẽ cùng nhau chăm sóc để vượt qua bệnh tật. Trong nhà, người lo nhất là ba anh nhưng ông lại chỉ triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi rồi qua nhanh chóng.
Mẹ và em trai anh L. cũng ho sốt. Đặc biệt, vợ anh bị sốt không hạ được. Uống thuốc hạ sốt vẫn không giảm nhiệt độ. Nhưng cả nhà anh L. kiên trì sử dụng các biện pháp chườm ấm để hạ nhiệt, không uống thuốc hạ sốt quá nhiều vì lạm dụng có thể gây suy gan. Mỗi ngày, người nào sốt cũng nấu nước ấm chườm để làm mát.
Trong nhà, anh L. chỉ mệt mỏi như người cảm cúm nên "cân" hết việc nhà, từ nấu nướng đến chăm sóc ba đứa con nhỏ. Trẻ nhỏ triệu chứng nhẹ hơn, chỉ nóng sốt, khò khè bình thường. Hàng ngày, anh nấu nồi cháo cảm để sẵn, nếu ai không ăn cơm thì ăn cháo. Cơm thì anh chọn các món ăn thanh đạm, nhẹ dễ ăn như canh chua, thịt xào, tôm…
Trước đó, nhà anh đã mua sẵn chanh, gừng, mật ong nên pha nước uống cho cả nhà. Ngoài nước chanh, nước cam, anh L. cho các thành viên uống thêm C sủi để tăng sức đề kháng. Vệ sinh răng miệng, khò họng ngày 2, 3 lần để làm sạch răng miệng.
Anh L. cho biết, khi nghe tin gia đình anh trở thành >F0, nhiều người thân, bạn bè mách đủ thứ thuốc nào là thuốc chống sốt rét, thuốc xổ virus, thuốc bổ, thực phẩm chức năng… chẳng khác nào một ma trận đủ các loại thuốc. Anh phân loại thuốc và kiên quyết không sử dụng loại nào kiểu mách nhau.
Anh chỉ sử dụng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ mà anh đọc được trên báo, nếu sốt cao hơn 38,5 độ thì cho uống viên sủi hạ sốt. Những người chỉ mệt mỏi như cảm cúm, anh cho uống Panadol thông thường, cữ thuốc 4 – 5 tiếng/lần, không uống nhiều. Nếu hạ sốt không giảm thì tăng cường hạ sốt bằng chườm ấm, lau người để giảm nhiệt độ.
Trải qua 7, 8 ngày đầu, các thành viên trong gia đình cũng dần bình phục. Hai đứa trẻ khò khè cũng đã dứt. Anh L. cho rằng, nếu mắc Covid-19 bình tĩnh, chắt lọc các thông tin hữu ích để áp dụng cho gia đình mình sẽ tốt hơn. Anh L. cho rằng cũng do thành phần cơ địa của từng người nhưng bản thân anh luôn tuân thủ các dùng thuốc đúng, bởi vì thuốc như con dao hai lưỡi.
Suốt những ngày cả nhà cách ly theo dõi tại nhà, lúc đầu mọi người ho, sốt, mệt còn gọi tổng đài 1222 nhưng rồi chẳng ai gọi vì tổng đài quá tải. Anh L. cho rằng mình nên tự lo cho sức khoẻ của mình, gia đình mình sẽ tốt hơn, vì y tế ở bất cứ đâu cũng quá tải.
Thi thoảng có nghe thông tin hàng xóm qua đời vì Covid-19, người này, người kia qua đời, anh L. cũng có chút lo lắng nhưng sau đó anh đều cố gắng bĩnh tĩnh lại.
Các thành viên trong gia đình nói chuyện với nhau nhiều hơn, cùng nhau xem phim hài, vui vẻ, không xem các thông tin về dịch bệnh. Đóng cánh cửa lại, trong gia đình chỉ đều nghĩ về những điều vui vẻ để vượt qua Covid-19.
Anh L. cho biết, tinh thần rất quan trọng. Vì vậy, anh L. tự cho mình khoẻ nhất nhà sẽ cố gắng chăm sóc cả về >dinh dưỡng, tinh thần cho cả gia đình. Ba đứa trẻ triệu chứng nhẹ, chúng cũng chưa biết nhiều về Covid-19 nên vô tư vui vẻ khiến không khí gia đình cũng bớt căng thẳng hơn.