Dư luận đồn thổi, sau một ngày bị khởi tố bị can, bị can Nguyễn Hữu Linh có dấu hiệu bỏ trốn. Thực hư thế nào?
Mới đây thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng, bị can Nguyễn Hữu Linh (SN 1958, nguyên Phó viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng) đã có dấu hiệu… biến mất, thậm chí đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Thông tin đồn thổi này lan truyền kể từ ngày 23/4, tức là sau 1 ngày cơ quan tố tụng Q.4 ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Linh về tội “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo điều 146 Bộ luật Hình sự 2015 và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Thông tin lan truyền nhanh khiến dư luận bức xúc khi vụ án >dâm ô trẻ em trong thang máy được đặc biệt quan tâm. Thông tin mạng còn lan truyền những hình ảnh cho là ông Linh đang du lịch với gia đình với thần sắc thoải mái, vui vẻ như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Thậm chí xác nhận với VietNamNet, lãnh đạo Công an Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng nói rằng, ông Linh hiện không có mặt ở nơi thường trú.
Công an địa phương chỉ biết thông tin cơ quan tố tụng Q.4 áp dụng các quyết định tố tụng đối với ông Linh thông qua báo chí. Phía Công an quận chưa nhận thông tin bằng văn bản của Công an TP.HCM đề nghị phối hợp giám sát bị can Linh.
Vậy những thông tin ông Linh bỏ trốn thực hư ra sao?
Nguồn tin từ phía cơ quan tố tụng Q4 hôm nay khẳng định, ông Linh không bỏ trốn như thông tin đồn thổi trên mạng xã hội, hiện ông này đang có mặt tại TP.HCM. Hiện phía Công an Q.4 vừa mời ông Linh lên để tống đạt các quyết định và đang trong giai đoạn triệu tập điều tra.
Nguồn thông tin nói rõ, ông Linh hợp tác tốt với cơ quan điều tra, không có dấu hiệu gây khó khăn. Về thông tin, địa chỉ nơi ở của ông Linh tại TP.HCM, phía cơ quan điều tra cho biết không thể tiết lộ.
Còn theo 1 luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, cơ quan tố tụng khi áp dụng hình thức này đã nghiên cứu kỹ, bởi theo điều 123 bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của cơ quan chức năng.
Khi đó, bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ: không đi khỏi nơi cư trú nếu không được cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho phép; có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội…
Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định. Trong trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì sẽ bị tạm giam.
Hiện vụ án dâm ô trẻ em gây phẫn nộ dư luận vẫn đang trong vòng điều tra, làm rõ nhiều tình tiết có liên quan.