Thai phụ không đi khám hay tiêm phòng trong suốt thai kỳ. Đến ngày sinh nở, sản phụ chuyển dạ ngay tại nhà rồi dùng dao lam không vô trùng để cắt rốn khiến bé sơ sinh bị nhiễm trùng uốn ván.
Cách đây gần 2 tháng, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi tiếp nhận trường hợp bé gái 6 ngày tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, co giật liên tục, gồng cứng người, bỏ bú, sốt cao, tính mạng nguy kịch. Sau khi thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán uốn ván rốn sơ sinh.
Các bác sĩ tiến hành điều trị tích cực theo phác đồ với thở máy hỗ trợ hô hấp, thuốc giãn cơ, thuốc chống co giật, kháng sinh, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
Hiện tại, bệnh nhi đã phục hồi >sức khỏe và được xuất viện về nhà trong sự vui mừng của gia đình và đội ngũ y bác sĩ.
Cha mẹ bé gái trên đều là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại huyện miền núi Sơn Hà. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, thai phụ cũng không không đi khám hay tiêm phòng trong suốt thai kỳ. Đến ngày sinh nở, sản phụ chuyển dạ sinh con ngay tại nhà rồi dùng dao lam không vô trùng để cắt rốn khiến bé sơ sinh bị >nhiễm trùng uốn ván.
Bằng sự nỗ lực cứu chữa của các y bác sĩ, sau khoảng 30 ngày điều trị, bé gái đã qua giai đoạn nguy hiểm và có thể tự thở được, hết co giật, giảm tình trạng tăng trương lực cơ. Sau đó, bệnh nhi tiếp tục được hỗ trợ phục hồi chức năng bú, nuốt và >dinh dưỡng.
Tuy đã được cứu sống thành công nhưng bé gái cần được tái khám định kỳ để đánh giá sự phát triển tâm thần vận động của trẻ.
Uốn ván rốn sơ sinh là căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được bằng các biện pháp đơn giản như tiêm vắc xin ngừa uốn ván cho thai phụ và cắt rốn bằng dụng cụ vô trùng.
Hàng năm, Khoa sơ sinh Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi tiếp nhận nhiều trường hợp uốn ván rốn từ các huyện chuyển về, tuy nhiên bé gái trên là trường hợp hy hữu được cứu sống.