Dự báo tối và đêm nay, bão số 9 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận – Bến Tre. Mưa lớn sẽ lan ra cả khu vực Trung Trung Bộ.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ, trong 6 giờ qua, >bão số 9 có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam, ở huyện đảo Phú Quý đã có gió giật mạnh cấp 8.
Lúc 7h sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,8 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 100km, cách Phan Thiết khoảng 190km, cách Vũng Tàu khoảng 240km, cách Bến Tre 300km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Trong 12 giờ tới, dự báo bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Tốc độ phụ thuộc nhiều yếu tố, nếu bão suy yếu nhanh thì khi cập bờ ở cấp 7, còn chậm hơn sẽ ở cấp 8, giật cấp 10.
Dự báo, tối và đêm nay bão số 9 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận - Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu là trọng tâm của gió mạnh. Khu vực Nam Bộ được cảnh báo có nguy cơ xảy ra dông mạnh và lốc xoáy.
Mưa lớn xảy ra cao điểm chiều và đêm nay. Tại TP.HCM dự kiến có mưa rất to (200-250mm) và có khả năng dông, lốc xoáy, nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng.
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ cũng dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên sau khi bão vào thì trọng tâm mưa lớn là ở Trung Trung Bộ, trong đó ở Bình Định - Bắc Phú Yên 2 ngày tới mưa rất lớn với lượng mưa từ 500-600mm.
Từ nay đến 27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên.
Hiện có 4 tỉnh, TP có phương án, thời hạn cụ thể hoàn thành việc di dời dân cư. Cụ thể, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) đã di dời xong 199 hộ/934 người; huyện Cần Giờ (TP.HCM) dự kiến di dời 4.151 người (với gió cấp bão) và 1.928 người (với gió cấp ATNĐ); đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến di dời khi bão ảnh hưởng 42.423 hộ/158.534 người.
Đảm bảo an toàn hồ chứa
Ông Nguyễn Đăng Hà - Vụ trưởng Vụ an toàn đập (Tổng cục Thuỷ lợi, Bộ NN&PTNT) thông tin, toàn bộ hồ chứa thuỷ lợi trên khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đều đảm bảo an toàn, chưa có vấn đề gì xảy ra.
Với hồ Dầu Tiếng, nếu với lượng mưa như kịch bản đưa ra là 100-200mm thì chưa cần vận hành, cũng không có vấn đề gì lo ngại.
Với các hồ từ Quảng Trị - Bình Định, sẽ quan trắc lượng mưa để đảm bảo nếu vượt quá thì phải hạ bớt mực nước để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn cho biết, BCĐ TƯ Phòng chống thiên tai đã có văn bản gửi toàn bộ các tỉnh ĐBSCL đưa ra những cảnh báo trước và sau bão thường xảy ra dông, lốc xoáy để các cơ quan liên quan và địa phương tăng cường đề phòng.
Trước diễn biến của không khí lạnh tăng cường với hoàn lưu bão lan ra Trung Trung Bộ, ông Sơn cho biết, BCĐ sẽ tiếp tục có văn bản gửi các tỉnh này để ứng phó với mưa lớn, trước hết là đảm bảo an toàn hồ chứa và lũ quét, sạt lở đất ở miền núi.
“Với lượng mưa cực lớn, ngoài việc cử các chủ đập ứng trực 24/24h, chính quyền địa phương cũng phải rà soát ngay các phương án ứng phó ở hạ du, cảnh báo và sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm”, ông Sơn nói.
Ông cũng đề nghị các đơn vị liên quan kiểm đếm lại số tàu còn đang hoạt động ở vùng nguy hiểm để kêu gọi vào các vùng an toàn. Công tác ứng phó phải làm xong vào ban ngày, trước khi bão đổ bộ vào tối và đêm nay.