Đã có 1 người chết, 13 người mất liên lạc do mưa lũ, hệ quả của cơn bão số 3.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 18h ngày 3-8, ảnh hưởng của >bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm 1 người chết ở Bắc Kạn, 13 người ở tỉnh Thanh Hóa (1 người huyện Mường Lát, 12 người huyện Quan Sơn) bị mất liên lạc.
Thanh Hóa thiệt hại nặng
Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho hay 7 xã vùng cao (xã Sơn Diện, Sơn Thủy, Na Mèo, Sơn Hà, Tam Lư, Trung Tiến, Trung Thượng) thuộc huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa vẫn đang bị nước lũ cô lập.
Đến cuối giờ chiều 3-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương Tiến Thành - phó chủ tịch UBND huyện Quan Sơn - cho biết từ sáng sớm 3-8, nước từ thượng nguồn bên Lào đổ về bất ngờ đã cuốn trôi 24 ngôi nhà ở bản Xa Ná, xã Na Mèo và bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy.
Sau khi nước lũ tràn qua bản Xa Ná, 17 người dân ở bản này mất liên lạc. Tuy nhiên, cuối giờ chiều 3-8, cơ quan chức năng, chính quyền và người dân địa phương đã tìm kiếm, cứu hộ được 5 người, hiện còn 12 người đang mất liên lạc với gia đình. Đến tối 3-8, cơ quan chức năng huyện Quan Sơn vẫn chưa tiếp cận được bản Xa Ná.
Ngoài ra, mưa lớn còn gây sạt lở đất đá nghiêm trọng tại nhiều điểm trên quốc lộ 217, với khoảng 1.000m3 đất đá vùi lấp xuống đường, gây ách tắc giao thông.
Ông Cao Văn Cường - chủ tịch UBND huyện Mường Lát, Thanh Hóa - cho biết trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, chiều 1-8, anh Vàng A Lâu (33 tuổi, trú tại bản Sài Khao, xã Mường Lý) đang trên đường đi rừng về đã tử vong do đất đá sạt lở xuống đường, trúng người nạn nhân.
"Do mưa lớn kéo dài từ ngày 2 đến sáng 3-8, nhiều đoạn đường trên quốc lộ 15C và 16A qua huyện Mường Lát đã bị sạt lở đất đá từ đồi xuống, gây ách tắc cục bộ... Mưa lớn kèm lũ ống, lũ quét cũng đã phá hủy nhiều tuyến đường giao thông ở các xã.
Nhiều tỉnh bị ảnh hưởng lớn
Chiều 3-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn xác nhận khoảng 12h15 ngày 3-8, trên quốc lộ 3, đoạn qua xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới xảy ra tình trạng sạt lở núi, nhiều tảng đá lớn từ trên cao đã sụp lở rơi xuống đường.
Vụ lở núi khiến bà Trần Thị T. (76 tuổi) bị đá vùi tử vong. Trần Kim Tuấn (17 tuổi, cháu ruột bà T.) bị thương nặng và một người dân khác bị thương hiện chưa xác định được danh tính. Sau đợt sạt lở, tuyến quốc lộ 3 bị ách tắc cục bộ.
Tỉnh Điện Biên cũng xuất hiện mưa lớn. Đặc biệt, tại TP Điện Biên Phủ, một số tuyến đường chính bị ngập. Nước ngập trong đêm khiến nhiều hộ gia đình không kịp di dời tài sản nên nhiều đồ đạc trong nhà bị hư hỏng. Các khu vực khác của tỉnh như Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên... có mưa cục bộ và dông, được cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập cục bộ.
Nhiều phố Hà Nội ngập... như thường lệ
Tại Hà Nội, trên địa bàn thành phố đã có mưa kéo dài kèm theo gió to quật đổ nhiều cây xanh trên phố. Đến chiều 3-8, nhiều tuyến đường như Vành đai 2, 5 qua khu đô thị Vĩnh Hoàng, Lương Thế Vinh, phố Cổ Linh... vẫn ngập mênh mông nước, khiến các phương tiện đi lại khó khăn. Các tuyến phố Thái Hà, Mỹ Đình... như thường lệ mỗi lần mưa to kéo dài lại bị ngập sâu.
Ông Bùi Ngọc Uyên, phó trưởng phòng đối ngoại - truyền thông Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cho biết các trạm bơm đã hoạt động hết công suất. Công nhân của công ty túc trực 24/24 giờ. Để ứng phó với diễn biến mưa lớn, Hà Nội đã vận hành 11 trạm bơm tiêu úng với tổng lưu lượng bơm 65.500 m3/h.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày và đêm 4-8 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục đối mặt với mưa vừa đến mưa to, đặc biệt là khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An mưa từ 50-100mm/24 giờ.
Chủ động sơ tán khẩn cấp
Chiều 3-8, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu các bộ, tỉnh, thành phố tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do bão số 3. Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thanh Hóa và các địa phương tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét… để chủ động sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng được yêu cầu phải chỉ đạo Quân khu 4, các lực lượng đóng quân trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương, nhất là tại Thanh Hóa…