Theo phản ánh của nhiều khách hàng, trang thương mại điện tử Tiki liên tục hủy nhiều đơn hàng của người mua, đặc biệt thời điểm cận Tết.

13:06 29/01/2019

Sau nhiều thời gian săn hàng giảm giá trên Tiki, chờ ngày nhận hàng, anh Vũ Anh Tùng bất ngờ nhận được thư thông báo của trang thương mại điện tử này. Theo đó, đơn hàng của anh đã gặp sự cố lỗi hệ thống nên chưa  thể hỗ trợ giao đến cho anh Tùng. Tiki sẽ hủy đơn hàng và hoàn tiền vào tài khoản thanh toán.

Theo anh Tùng, đơn hàng này được anh đặt thành công vào từ 31/12/2018, dự kiến giao hàng là 11/01/2019. Nhưng tới tận 25/1/2018, anh mới nhận được thư phản hồi như vậy. “Đây không phải lần đầu mình nhận được email một chiều kiểu mặc kệ người mua hàng như thế này với Tiki.vn trong thời gian gần Tết”, anh cho hay.

Hiện anh Tùng rất lo lắng về một số đơn hàng khác trên Tiki liệu có tới tay mình không dù anh đã mua và thanh toán thành công trước đó.

Khách hàng bức xúc vì đơn hàng bị hủy

Một vấn đề khiến anh Tùng bức xúc là các chương trình khuyến mãi này có thật hay chỉ là chiêu để thu hút khách hàng. Ngoài ra, việc khách hàng đã đặt thành công, Tiki lại hủy đơn và xin lỗi khách hàng, hoàn tiền như vậy là thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng.

Tương tự, một khách hàng khác tên Dương Thị Mỹ Linh cho hay, chị đặt hàng từ ngày 4/1, Tiki dự kiến 22/1 giao nhưng tới ngày đó chị vẫn chưa nhận được. Gọi điện lên tổng đài yêu cầu kiểm tra, hôm sau chị Linh mới nhận được thông báo là đơn hàng đã bị hủy.

Không chỉ vậy, nhiều khách hàng còn phản ánh tình trạng giao chậm hơn so với dự kiến của Tiki trong thời gian gần đây.

Thư phản hồi khách hàng của Tiki

“Mình mua ở trang khác xử lý đơn hàng nhanh, chưa đầy hai ngày đã giao hàng đến tay người đặt. Trong khi đó, đặt ở Tiki đợi hơn 10 ngày không thấy giao đành phải hủy đơn, lần nào mua ở Tiki khi gọi lên tổng đài cũng gặp lý do là bên em phải chuyển hàng từ TP.HCM qua”, một thành viên phản ánh trên diễn đàn công nghệ.

Trước bức xúc của khách hàng, Tiki đã gửi email xin lỗi và tặng mã giảm giá cho người mua ở những đợt tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho rằng vẫn không chấp nhận về cách xử lý như vậy. Ở một số diễn đàn, cộng đồng mạng cũng bày tỏ bất bình trước chất lượng dịch vụ của đơn vị tự cho là hàng đầu Việt Nam này.

Tiki được thành lập từ tháng 3/2010, hiện có 10 ngành hàng kinh doanh. Cách đây không lâu, Tiki cho ra mắt dịch vụ giao hàng 2 tiếng tại 6 thành phố lớn. Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tiki, giá trị cốt lõi ‘Vì khách hàng’ chính là động lực để Tiki nghiên cứu và thực hiện các dịch vụ giúp tối đa hóa trải nghiệm cho khách hàng. Trong dài hạn, Tiki sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động của mình cũng như dịch vụ giao hàng nhanh tại các nước khác trong khu vực Đông Nam Á chứ không riêng tại Việt Nam.

Mặc dù được các ông lớn chống lưng nhưng Tiki vẫn đang chịu sự cạnh tranh gay gắt. Tính đến 30/9/2018, tổng giá trị đầu tư vào Tiki của VNG tăng lên 506,2 tỷ đồng, nắm giữ 28,8% cổ phần của Tiki.

Năm 2017, VNG ghi nhận khoản thua lỗ tại Tiki là 219 tỷ đồng. 6 tháng năm 2018, khoản lỗ này tiếp tục tăng thêm 102 tỷ đồng. Đến thời điểm 30/6/2018, VNG ghi nhận khoản lỗ tại Tiki là 321,2 tỷ đồng. Như vậy, giá trị khoản đầu tư còn lại của VNG tại Tiki chỉ còn 185 tỷ đồng.

Trước đó, JD trở thành một trong những cổ đông lớn nhất sau khi Tiki hoàn thành vòng gọi vốn giai đoạn C. Ngoài VNG và JD.com, những nhà đầu tư trước vào Tiki còn có Seedcom, Sumitomo Corp và CyberAgent Ventures.

Theo Nam Hải/Vietnamnet