Để có tiền mua xe cứu thương, bà Bính đã phải bán một miếng đất của gia đình. Bất kể ngày đêm, chiếc xe ấy sẵn sàng lên đường khi người bệnh cần và tất cả đều miễn phí.
Bán đất mua xe cứu thương
Chồng mất cách đây 3 năm, các con đã lập gia đình, bà Bính sống một mình trong căn hộ chung cư ở Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội).
Từ ngày nghỉ hưu, bà gắn cuộc sống của mình với các hoạt động từ thiện. Quyết định mua xe cứu thương chở miễn phí người bệnh của bà bắt đầu từ một lần tình cờ.
‘Tháng 9/2016, qua báo chí, tôi nhìn thấy hình ảnh anh Lò Văn Muôn (ở Sơn La) vì không có tiền thuê xe đã phải cuốn thi thể em gái trong manh chiếu rồi chở bằng xe máy về quê nhà an táng. Tôi quyết định mua một chiếc xe cứu thương, giúp đỡ những bệnh nhân và người nhà khó khăn’, bà kể lại.
Tuy nhiên để có xe cứu thương và nắm được cách thức vận hành, hoạt động, bà Bính đã phải vào tỉnh An Giang để học tập mô hình xe cứu thương miễn phí tại đây.
Sau đó, bà bán một mảnh đất cùng sự ủng hộ của bạn bè, người thân, dồn tiền mua xe. Sau thời gian dài chuẩn bị, tháng 12/2018, chiếc xe lăn bánh, thực hiện chuyến đi đầu tiên.
‘Đến nay, xe đã chạy được 250 chuyến vận chuyển bệnh nhân hoàn toàn miễn phí. Phía sau đó, không ít kỷ niệm…’, bà Bính nói.
Ban đầu, nhiều người không tin câu chuyện xe cứu thương miễn phí. Họ gọi điện chửi bới, cho rằng bà tìm cách lừa đảo, lấy tiền của người bệnh.
Ngoài vận chuyển người bệnh vào cấp cứu tại bệnh viện, bà Bính còn liên hệ với phòng công tác xã hội của các bệnh viện để tiếp cận những người bệnh nặng, thậm chí người đã mất có hoàn cảnh khó khăn rồi đưa họ về quê nhà.
Ban đầu, có cặp vợ chồng ông Mai Văn Toàn (ở An Giang) biết đến mô hình xe cứu thương miễn phí của bà Bính đã tình nguyện ra Hà Nội, làm lái xe không lương cho xe cứu thương. Sau đó, nhiều tài xế cũng xin tham gia vào đội lái xe này.
‘Hiện, chúng tôi có 10 tài xế. Mỗi chuyến, tôi cử 2 tài xế đi để đảm bảo thay ca, hỗ trợ nhau trên đường dài. Mỗi chuyến xe đi tỉnh xa chúng tôi thường mất hơn 1 triệu đồng tiền xăng xe’, bà Bính cho biết thêm.
Những chuyến xe ám ảnh
Bà nói, ám ảnh với bà nhất là chuyến xe của người con đưa cha về quê ở Cao Bằng.
Lúc bà đến viện, người cha đã yếu, không còn nói được nhưng ông vẫn cố rướn người lên để bày tỏ sự cảm ơn. Xe rời thành phố được một đoạn, người cha trút hơi thở cuối cùng, người thanh niên gục xuống, òa khóc.
‘Tiếng khóc ai oán vô cùng. Nếu hôm đó, tôi không đưa họ về quê, cảm giác áy náy sẽ theo tôi cả đời’, bà Bính kể.
Một chuyến xe khác là vào ngày 28 Tết năm 2018. Đó là một bệnh nhân 16 tuổi, bị ung thư xương. Cô gái được bệnh viện cho về nhà ăn Tết, sau đó cô phải trở ra Hà Nội để thực hiện phẫu thuật.
Xuất phát từ 9h tại Hà Nội nhưng phải mất 6 tiếng, xe mới về tới Thọ Xuân, Thanh Hóa do tắc đường.
Dù đã là 28 Tết nhưng trong nhà chưa hề sắm sửa được bất cứ thứ gì. Đồ đạc trong nhà không có nổi một vật có giá trị.
Về tới nhà bệnh nhân, họ vô cùng xót xa trước hoàn cảnh của gia đình. Bố của cô gái bị liệt nay cũng mắc căn >bệnh ung thư, người mẹ ngẩn ngơ, không nhanh nhẹn như người bình thường. Sau cô bé 16 tuổi là 2 em nhỏ, đang tuổi ăn tuổi học.
‘Khi chúng tôi chở bệnh nhân về tới nhà thì gia đình rất xúc động. Người chú ruột của bệnh nhân đứng lên thay mặt nói lời cảm ơn, anh ấy khóc'.
Không chỉ duy trì mô hình xe cứu thương, bà Bính này còn phối hợp cùng các bệnh viện, thực hiện 2 đợt mổ đục thủy tinh thể miễn phí cho 100 bệnh nhân miễn phí tại Hà Nội. Sau đó, sẽ tiến hành mổ từ thiện cho các bệnh nhân ở Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị...
Đồng thời, bà cùng các bạn của mình cũng đang tiến hành nấu cơm, phát cháo miễn phí tại một số bệnh viện.
'Hoạt động này giúp tôi yêu đời, khỏe mạnh hơn’, bà Bính nói, tay đặt lên ngực, nơi cách đây mấy năm trước, bà phải trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ một bên ngực vì căn bệnh ung thư…