Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 lần đầu tiên đưa ra hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn với dịch COVID-19.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) vừa có hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn với dịch COVID-19 tại Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở để các tỉnh, thành phố xây dựng hướng dẫn và phổ biến đến quận/huyện, xã/phường về đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp áp dụng thay thế cho các biện pháp áp dụng tại Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16, Chỉ thị số 19.
Phân cấp 4 mức độ nguy cơ
Theo hướng dẫn, Ban chỉ đạo phân cấp thành bốn mức độ nguy cơ dịch: cấp độ 4 là nguy cơ rất cao (tương ứng màu đỏ), cấp độ 3 là nguy cơ cao (màu cam), cấp độ 2 là nguy cơ trung bình (màu vàng) và cấp độ 1 là nguy cơ thấp - trạng thái bình thường mới (màu xanh).
Phạm vi đánh giá cấp độ dịch và áp dụng các biện pháp thích ứng an toàn được thu hẹp tới cấp xã và có thể ở quy mô nhỏ hơn (tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm…).
Có năm chỉ số để đánh giá mức độ thích ứng an toàn. Trong đó, ba tiêu chí bắt buộc gồm:
Thứ nhất, tỉnh/thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng; riêng địa phương ở cấp độ 4 phải bảo đảm tối thiểu 3% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch. Thứ hai, ít nhất 95% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19. Thứ ba, 100% các trạm y tế xã có Oxy y tế và 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động.
Hai tiêu chí còn lại là: số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần và tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng COVID-19.
Cũng theo Ban chỉ đạo, địa phương nào có tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người trên 50 tuổi dưới 95% thì phải nâng cấp độ dịch lên một mức cao hơn.
Việc tăng giảm các cấp độ dịch không được đột ngột, thực hiện trong thời gian 72 giờ. Địa phương có quyền quyết định lựa chọn một số biện pháp không cao hơn hoặc thấp hơn một cấp so với cấp độ dịch đang thực hiện.
Người tiêm đủ 2 mũi vắc xin được đi lại bình thường
Trong hướng dẫn, Ban Chỉ đạo kèm theo phụ lục chi tiết các biện pháp thích ứng an toàn dịch. Dựa vào phụ lục này, các tỉnh/thành phố quyết định áp dụng biện pháp thích ứng an toàn tương ứng với cấp độ dịch.
Điển hình, giao thông công cộng (không áp dụng với ngành hàng không) được hoạt động bình thường ở cấp độ 1 và 2, giảm 50% công suất khi ở cấp độ 3 và dừng hoạt động (trừ xe taxi, xe công nghệ có vách ngăn và thanh toán điện tử) khi ở cấp độ 4.
Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa được hoạt động ở cả bốn cấp độ; riêng với cấp độ 3 và 4 thì phải cấp mã QR đi vào luồng xanh, tài xế công nghệ (xe máy) phải được tiêm đủ 2 liều vắc xin và xét nghiệm định kỳ.
Cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp, khu chế xuất được hoạt động ở cả bốn cấp độ, riêng cấp độ 4 phải tổ chức ăn, ở/lưu trú tập trung (trừ trường hợp ≥ 80% người lao động của cơ sở đã tiêm đủ liều vắc xin).
Phụ lục cũng quy định chi tiết việc mở cửa các dịch vụ như hàng ăn, cắt tóc, gội đầu, siêu thị, chợ đầu mối… trong bối cảnh có ca mắc.
Đáng chú ý, phụ lục nêu rõ nguyên tắc không được phép ra, vào địa phương có mức độ dịch ở cấp 4, trừ lý do đặc biệt nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Người dân ở các địa phương có dịch ở cấp độ 3 hạn chế đến các địa phương khác. Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 hoặc đã khỏi COVID-19 được đi lại bình thường, không hạn chế. Người từ địa phương có mức độ dịch ở cấp độ 1 di chuyển vào địa phương có mức độ dịch ở cấp 2, 3 phải tuân thủ tuyệt đối quy định 5K và lộ trình di chuyển, tự theo dõi >sức khỏe trong 14 ngày, khi có biểu hiện bất thường thì thông báo cho y tế địa phương để thực hiện theo quy định…
Trong một diễn biến liên quan, vào sáng 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thông tấn xã Việt Nam dẫn tin từ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Ban Chỉ đạo thống nhất chuyển chủ trương từ “Không COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”.
Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến 30/9/2021 chúng ta sẽ có nới lỏng giãn cách từng bước có kiểm soát trên cơ sở đó khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội.
Bên cạnh đó, Báo cáo của Ban Chỉ đạo tại cuộc họp cho biết, đợt dịch thứ 4 đến 24/9/2021, cả nước đã ghi nhận khoảng 734.000 ca mắc, 503.000 người đã khỏi bệnh (69%) và 18.000 ca tử vong. Trong 14 ngày qua, nước ta ghi nhận 152.215 trường hợp mắc mới (87.214 ca trong cộng đồng).
Tuần qua ghi nhận 72.236 ca mắc, giảm 9,7% so với tuần trước đó; số tử vong trong tuần giảm 12,1% so với tuần trước đó. Hiện nay có 16/63 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 5 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có một tỉnh chưa ghi nhận ca mắc.
Đáng chú ý, tại 23 địa phương thực hiện giãn cách, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát; số mắc trong 7 ngày đây giảm 9,8% so với 7 ngày trước. Các địa phương khác tình hình cơ bản vẫn đang được kiểm soát.
Về tiêm chủng, tính đến hết ngày 24/9/2021, cả nước đã tiêm được 37,6 triệu liều vaccine, tỷ lệ sử dụng đạt 72% so với tổng số vaccine phân bổ, trong đó khoảng 22,3 triệu người đã tiêm 1 liều vaccine và 7,3 triệu người tiêm đủ 2 liều vaccine (tỷ lệ tiêm ít nhất 01 liều vaccine là 41,1% dân số từ 18 tuổi trở lên). Còn khoảng 14 triệu liều đang tiếp tục tiêm, trong đó có khoảng 10,5 triệu liều mới được phân bổ từ ngày 16/9/2021.