PGS.TS.BS Phạm Văn Quang cho biết, các bệnh viện không có huyết thanh đặc trị kháng độc rắn cạp nia từ lâu. 5 lọ huyết thanh kháng độc giúp cứu sống cháu bé chính là những lọ cuối cùng.
Theo thông tin từ báo Thanh Niên, người nhà cho biết khoảng 3 giờ sáng, khi đang nằm ngủ ở sàn nhà thì bé bị rắn cắn vào đùi chân phải. Sau đó ba bé bắt được con rắn có khoanh trắng khoanh đen dài khoảng 1 mét. Sau một tiếng, bé bắt đầu mệt, buồn nôn, nôn ói nhiều, sau đó bắt đầu sụp mi, yếu tứ chi và thở mệt. Người cha đã mang bé đến thầy lang chữa rắn cắn gần nhà nhưng do tình trạng quá nặng, không thể điều trị được nên người nhà đưa đến Bệnh viện Thống Nhất, Đồng Nai.
Bệnh nhi nhập bệnh viện tại Đồng Nai trong tình trạng lơ mơ, thở hước nên được đặt nội khí quản, bóp bóng và chuyển đến một bệnh viện tại TP.HCM. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán nhiễm độc do rắn cắn, nghi rắn cạp nia gây suy hô hấp, được thở máy và điều trị hỗ trợ. Do tình trạng bé không cải thiện nên bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1.
Theo thông tin từ báo VietNamnNet, “Khi đó là 19h, trẻ gần như tử vong, hai đồng tử đều giãn”, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ. Nếu có huyết thanh kháng độc rắn cạp nia, em chắc chắn được cứu. Thế nhưng, các bệnh viện ở miền Nam đã cạn loại thuốc giải này thời gian qua.
Hy vọng đặt vào huyết thanh kháng độc rắn đa giá. Bác sĩ Quang và đồng nghiệp thở phào khi kho dược báo tin còn thuốc giải. Đó là 5 lọ huyết thanh kháng độc rắn hổ đa giá cuối cùng của Bệnh viện Nhi đồng 1.
Huyết thanh này kháng độc 3 loại cạp nia, cạp nong, hổ mang; dưới dạng bột đông khô, thời giạn sử dụng 5 năm, được nhập khẩu từ Thái Lan. Sau khi truyền 5 lọ, cậu bé bắt đầu nhúc nhích.
"Vậy là sống"! Bác sĩ yên tâm đợi bệnh nhi phục hồi, vì huyết thanh đa giá có hiệu quả chậm hơn loại đặc trị. Người cha cũng mới trút được nỗi sợ hãi và chờ con trai hồi tỉnh.