Chúng tôi luôn sẵn sàng chiến đấu vì sự bình yên của mọi người. Tổ quốc gọi, chúng tôi sẵn sàng!" - bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học Nhiệt đới - Bệnh viện Đà Nẵng, chia sẻ.
Nữ bác sĩ 33 ngày không gặp con
Hơn 1 tháng kể từ khi xuất hiện ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đầu tiên tại >Đà Nẵng, đến hôm nay, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng nói riêng, ngành y tế Đà Nẵng mới được tận hưởng cảm giác có trọn vẹn 1 ngày vui.
Ngày 10/4, bệnh nhân cuối trong số 6 người mắc >Covid-19 tại Đà Nẵng được xuất viện. Trước đó, lần lượt 2 du khách người Anh, 1 người Mỹ, 2 phụ nữ người Việt khác đã khỏi bệnh, khoẻ mạnh và được trở về nhà.
"Em rất cảm ơn các y bác sĩ. Em bất ngờ khi biết mình nhiễm bệnh nhưng luôn có niềm tin sẽ được các bác sĩ Việt Nam chữa khỏi. Thời gian điều trị, em nhận được sự chăm sóc ân cần, chu đáo của tất cả các y bác sĩ", nữ bệnh nhân T.N.T.M (SN 1993, bệnh nhân thứ 135 theo công bố của Bộ Y tế), chia sẻ trong ngày xuất viện.
Để bày tỏ sự tri ân, biết ơn của mình đối với 45 y, bác sĩ - Khoa Y học Nhiệt đới (Bệnh viện Đà Nẵng), cô gái trẻ đã gửi tặng những người thầy thuốc nơi đây 2 chiếc bánh kem, với dòng chữ "Cảm ơn Đà Nẵng! Cảm ơn Việt Nam!", cùng những cái ôm thắm thiết và những bức ảnh selfile để giữ làm kỉ niệm - không bao giờ quên.
Ôm chặt nữ bệnh nhân 27 tuổi được mình và các đồng nghiệp chưa trị suốt 16 ngày qua, bác sĩ Trương Thị Hoa - Khoa Y học Nhiệt đới, không giấu được nghẹn ngào, xúc động. Bà nói đây là khoảnh khắc mà 45 cán bộ, hộ lý, y tá, bác sĩ và cả ban lãnh đạo bệnh viện chờ đợi từ lâu. Tập thể bệnh viện coi đây là thắng lợi bước đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng.
"Các bệnh nhân đều đã khoẻ mạnh xuất viện là điều mà các y bác sĩ mong đợi nhất. Tuy nhiên, diễn biến dịch còn phức tạp và chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu. Tạm thời, chúng tôi tự cách ly thêm 14 ngày và nếu không có ca bệnh thì mới được trở về gặp gia đình, người thân. 33 ngày rồi tôi không gặp con, nhớ chúng quá", chị Hoa chia sẻ.
Bác sĩ Hoa có 2 con nhỏ. Lớn mới 6 tuổi, đứa nhỏ vừa lên 3. Ngày ca bệnh đầu tiên tại Đà Nẵng được xác định, chị vội gửi con cho ông bà nội để đến cơ quan nhận nhiệm vụ.
"Cả tháng qua tôi chỉ nhìn con qua điện thoại. Hai đứa được ông bà nội và bố chăm sóc. Vợ làm ở bệnh viện nên gia đình cũng thấu hiểu, thông cảm cho công việc của tôi. Để làm được công việc này, sự hy sinh của gia đình với tôi là rất lớn. Nhân đây tôi cảm ơn ba mẹ chồng, chồng đã thay tôi chăm sóc các con trong suốt thời gian qua để tôi yên tâm làm việc", nữ bác sĩ xúc động.
"Chúng tôi lo nhưng không sợ"
Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học nhiệt đới – Bệnh viện Đà Nẵng, người trực tiếp tham gia điều trị cả 6 ca bệnh, cho biết trong nửa tháng tới, ông và các đồng nghiệp sẽ cách ly, theo dõi >sức khỏe.
"Chúng tôi sẽ cách ly sau đó mới trở về nhà và đi làm trở lại. Tuy vậy, tinh thần mọi người là sẵn sàng, nếu có ca mắc mới, dù đang trong thời gian cách ly cũng sẽ được điều động về khoa để làm việc", bác sĩ Hàm khẳng định.
Bác sĩ, Trưởng khoa nhận định đây là dịch bệnh rất phức tạp. Ông nói theo sự hiểu biết của mình, trong lịch sử chưa có dịch bệnh nào lan rộng trên toàn cầu như thế này.
"Những người tham gia chống dịch trực tiếp là các y bác sĩ chúng tôi rất lo lắng nhưng không sợ bởi có sự động viên của nhiều lực lượng.
Chúng tôi luôn sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi muốn nhắn gửi cho người thân rằng hãy yên tâm. Vì công việc chúng tôi sẽ cố gắng, vì sự bình yên của mọi người. Tổ quốc gọi, chúng tôi sẵn sàng", bác sĩ Hàm khẳng định.
UBND TP Đà Nẵng cho biết hiện đã bố trí 1 khách sạn trên địa bàn làm nơi cách ly cho 45 y bác sĩ của khoa.