Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không có căn cứ, cơ sở để xác định biển số đẹp hay xấu, biển số độc, lạ… mà do cách nhìn nhận, quan niệm, nhu cầu, sở thích của mỗi người khác nhau.

Q.A (t/h) 15:09 15/11/2022

Đề xuất "không> phát hành biển số xấu có hai số cuối là 49, 53" của đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phản hồi khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số ôtô, chiều 15/11.

Trong nghị quyết được Quốc hội thông qua, không có khái niệm về "biển số xấu" và "biển số đẹp" hoặc "biển số độc, lạ".

Giải trình về tác động của chủ trương thí điểm đấu giá biển số ôtô, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc này có tác động tích cực đến an ninh, trật tự, sẽ bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông đường bộ.

Chính sách này cũng nhằm tránh dư luận cho rằng có sự thiếu minh bạch, có hành vi trục lợi trong việc cấp >biển số xe, nhất là có nhiều ôtô giá trị cao, “xe sang” thường hay có “biển số đẹp”.

 
Ảnh minh họa: VTC News.
 

Một số ý kiến đề nghị mở rộng thí điểm đấu giá cả biển số ôtô nền vàng chữ đen (xe hoạt động kinh doanh vận tải) và mở rộng đấu giá cả biển số mô tô, xe gắn máy, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng với xe kinh doanh vận tải, nhu cầu muốn được cấp biển số theo sở thích là rất ít. Nếu mở rộng với môtô, xe gắn máy thì số lượng rất lớn, dẫn đến thiếu tập trung, ảnh hưởng đến việc thực hiện thí điểm.

Vì thế, đề nghị Quốc hội cho phép việc thí điểm chỉ thực hiện đối với loại biển số ôtô nền màu trắng, chữ và số màu đen.

Đáng lưu ý, một số ý kiến đề nghị làm rõ biển số đẹp; cần có danh mục biển số độc, lạ để đưa ra đấu giá và đưa ra đấu giá trực tiếp; không phát hành các biển số xấu theo dân gian có số cuối 49, 53...

Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không có căn cứ, cơ sở để xác định biển số đẹp hay xấu, biển số độc, lạ… mà do cách nhìn nhận, quan niệm, nhu cầu, sở thích của mỗi người khác nhau.

“Việc đưa ra các tiêu chí để xác định danh mục biển số đẹp, số độc, số lạ là không khả thi, khó khăn cho công tác quản lý”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định.

Trước đó, trong báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, 4 đại biểu đề nghị có danh mục biển số độc, lạ để đưa ra đấu giá nhằm tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, hai đại biểu đề nghị không phát hành các biển số xấu theo quan niệm dân gian có số cuối 49, 53.

Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số ôtô vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2023 và thực hiện trong 3 năm.

Nghị quyết quy định giá khởi điểm của một biển số ôtô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng; tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của một biển số xe đưa ra đấu giá với bước giá là 5 triệu đồng. Phạm vi áp dụng thí điểm đấu giá biển số ôtô trên toàn quốc.

Theo Anh Thư/Zing