Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 17.5, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã có văn bản đề nghị TAND Cấp cao, VKSND Cấp cao tại TP.HCM xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định pháp luật đối với đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (sinh năm 1973), nguyên đơn trong vụ án ly hôn với bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).
Trước đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã gửi đơn đến Ủy ban Tư pháp Quốc hội khiếu nại và đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 291/2019 của Tòa án nhân dân TP.HCM vì lý do có “vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.
Trong đơn "cầu cứu" Ủy ban Tư pháp Quốc hội, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng, sau khóa thiền nhịn ăn 49 ngày, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã biến đổi, có những biểu hiện khác thường. Trong 5 năm ở trên núi, ông Vũ bỏ mặc việc điều hành Trung Nguyên, giao công việc quản lý hàng ngày cho một nhóm người có dụng ý xấu.
"Từ đó họ cấu kết với một số cá nhân bên ngoài để tâng bốc, nịnh bợ anh Vũ và tiến hành ly gián vợ chồng để thao túng, trục lợi nhằm chiếm đoạt tài sản và dần làm mất đi thương hiệu cà phê Trung Nguyên", bà Thảo viết trong đơn.
Bà Thảo cũng cho rằng với mong muốn cứu vãn tình thế nhưng đều không có kết quả, bà đã gửi đơn ly hôn như một giải pháp nhằm bảo vệ sản nghiệp của gia đình và ngăn chặn sự thất thoát, cũng như để thức tỉnh anh Vũ quay trở về với gia đình.
"Khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, tôi nhận thấy việc làm này sẽ không cứu được Trung Nguyên, không cứu được gia đình, không thức tỉnh được anh Vũ mà còn tạo điều kiện cho nhóm người có ý đồ xấu lợi dụng cơ hội này để thực hiện mưu đồ chiếm đoạt Trung Nguyên. Với mong muốn gia đình được đoàn tụ và tôi có thể chăm sóc >sức khỏe cho chồng nên tại phiên tòa sơ thẩm tôi đã quyết định rút đơn ly hôn", bà Thảo bày tỏ, cho rằng phán quyết của chủ tọa đã không cho gia đình bà đoàn tụ, và nội dung bản án vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Bà Thảo cho rằng bản án đã chia cho ông Vũ 60% và bà Thảo 40% là không phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời việc giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ số cổ phần tại 7 công ty và trả chênh lệch tài sản cho bà là không công bằng. Bởi lẽ cổ phần của 7 công ty chưa xác định được giá trị, giá trị thương hiệu...
"Nếu chia cho anh Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần tại 7 công ty, tức là đã tước mất quyền của tôi theo quy định của pháp luật và Luật Doanh nghiệp", bà Thảo cho biết.
Bà Thảo đã gửi đơn đến Ủy ban Tư pháp Quốc hội, mong cơ quan này có ý kiến chỉ đạo các cơ quan hữu quan nhanh chóng xem xét những thỉnh cầu trên của bà.
Chiều 12/4, VKSND TP.HCM kháng nghị bản án ly hôn sơ thẩm giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).
Bản kháng nghị dài 14 trang phân tích nhiều sai sót của HĐXX. Trong đó, tòa bị cho là không nêu đầy đủ và chính xác nhận định về các ý kiến của VKS, có hàng loạt vi phạm pháp luật cũng như tố tụng khi giải quyết yêu cầu phản tố của đương sự. Từ đó VKS đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm.
Theo VKS, ngày 18/7/2016, ông Vũ có yêu cầu phản tố chia tiền, vàng và ngoại tệ do bà Thảo đứng tên tại ba ngân hàng. Tuy nhiên, từ khi thụ lý, thẩm phán không tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải trước khi mở phiên toà. "HĐXX lồng ghép việc này trong quá trình xét xử và không được sự chấp nhận của bà Thảo là vi phạm Bộ Luật TTDS 2015", bản kháng nghị nêu.
Đối với số tiền hơn 1.764 tỷ đồng tại ba ngân hàng ông Vũ yêu cầu chia nhưng đến thời điểm tuyên án số dư chỉ còn hơn 1.3 tỷ đồng. "HĐXX chưa xác minh làm rõ nguồn gốc hình thành số tiền, sau đó được chuyển đến đâu, thời gian nào, sử dụng vào mục đích gì và hiện nay ai đang quản lý. Chỉ khi làm rõ được mới đảm bảo chia tài sản chung của các đương sự", VKS nêu quan điểm và cho rằng phán quyết của tòa chưa chính xác, gây khó khăn cho việc thi hành án.
Về việc phân chia tài sản là cổ phần tại các công ty, trong bản án HĐXX nhận định tài sản chung của vợ chồng nằm trong khối tài sản của 7 công ty nhưng phần lập luận chia cổ phần lại nhận định "nếu hai người cùng điều hàng Tập đoàn Trung Nguyên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp". Từ đó, HĐXX chia cho ông Vũ hưởng 60% và Thảo hưởng 40% cổ phần, đồng thời giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ số cổ phần tại 7 công ty. Ông này phải trả lại cho bà Thảo bằng tiền tương ứng với số cổ sở hữu sau khi cấn trừ.
"Quyết định này của toà là không phù hợp với quy định của pháp luật, không công bằng. Bởi cổ phần chưa được định giá giá trị thương hiệu", VKS nêu. Ngoài ra, cổ đông còn có các quyền quản trị công ty, quyền tài sản đối với cổ phần, quyền được chia cổ tức, quyền về thông tin kiểm soát trong công ty. Nếu chia cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần tại các công ty "là đã tước mất quyền của bà Thảo theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014".