Sau nhiều năm, bà cụ Cân - cụ bà trong bức ảnh gục đầu bên gánh hàng rong giữa ngã tư Hà Nội, vẫn ngồi lặng lẽ bên đường. Cuộc sống của bà bao năm nay vẫn thế, bà bảo mong muốn cuối đời là được sống khoẻ, chết nhanh vì không có người thân thích bên cạnh.
Qua 2 lần đò nhưng cuối đời vẫn không người thân thích
Hà Nội trở lạnh, đi qua các tuyến phố dòng người cảm nhận được cái lạnh thấm da thịt. Ấy thế bà cụ Đinh Thanh Hạnh (89 tuổi) tên thường gọi là cụ Cân ngày ngày vẫn ngồi lặng lẽ bên vệ đường ở ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Với những người sống quanh khu vực Bách Hoá Thanh Xuân, nhiều năm nay không ai còn xa lạ với bà cụ ấy. Trời nắng mưa, rét mướt… cụ Cân vẫn còm cõi lưng còng đẩy xe hàng mon men từ vỉa hè này sang mép đường bên kia. Đã hơn 20 năm sống lang thang Hà Nội, bán hàng rong là công việc giúp bà vơi đi nỗi cô quạnh tuổi về già.
Tôi vẫn nhớ cách đây hơn 5 năm khi gặp cụ, mái tóc bà Cân đã bạc trắng. Bà ở trong ngôi nhà trọ lụp xụp ở phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội), ngôi nhà đó bà thuê với giá 600 nghìn đồng mỗi tháng. Cuộc sống của bà lão gắn liền với cái cân, với tiệm Bách Hoá Thanh Xuân…
Ngồi bên mép vệ đường ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi bà Cân kể, cuộc đời bà cứ như vòng xoay vậy, nay đây, mai đó. Thế nhưng công việc duy nhất từ trước tới nay bà làm đó là bán hàng rong chong chóng, kẹo cao su, thuốc lá… với bà hằng ngày được ngắm dòng xe qua lại tấp nập cũng phần nào nguôi ngoai tuổi về già.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Cân kể, bà quê ở Thái Bình nhưng lên Hà Nội làm công trường rồi lập gia đình sớm. Tuy nhiên trải qua hai lần đò, số phận không may mắn vẫn bám chặt lấy bà.
'Hồi đó, khi đi làm ở công trường, tôi quen rồi lấy một người chồng ở quận Đống Đa, Hà Nội. Tuy nhiên, được hơn 1 năm thì hai vợ chồng bỏ nhau, tôi ở vậy chăm con được hơn 1 tuổi thì cháu bị bệnh rồi qua đời', bà Cân kể.
Không lâu sau, chồng đi lấy vợ khác, con mất nên bà cứ sống lầm lũi, sáng đi làm tối mới về. Cho đến năm 33 tuổi, bà quen ông Nguyễn Công Vinh (quê ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) ra ngoài Bắc tập kết.
Ít lâu sau, hai người nên duyên vợ chồng rồi sinh được một người con trai là anh Nguyễn Mạnh Hùng. Tuy nhiên, lấy nhau được hơn 10 năm thì người chồng thứ 2 của bà qua đời vì bệnh tật. Năm 36 tuổi, anh Hùng cũng không may ra đi do bạo bệnh để lại vợ và 2 con nhỏ. Ít lâu sau, con dâu của bà cũng đưa 2 con đi lấy chồng khác khiến bà lão thành đơn độc.
Bà kể, cách đây khoảng 25 năm, bà có gom góp tiền mua được mảnh đất ở phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân với giá 14 triệu đồng. Tuy nhiên, bà bị lừa rồi bị tịch thu mất đất. Cứ thế, bà lão đành phải thuê căn phòng ẩm thấp, tối tăm làm chốn nương thân.
'Ở cái tuổi này tôi chỉ mong >sống khỏe chết nhanh'
Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Cân kể, lâu nay cứ sống qua ngày đoạn tháng. Giờ bà thuê một ngôi nhà trọ với giá 1,5 triệu đồng mỗi tháng lấy nơi ăn chốn ở. Hằng ngày bà còm cõi đẩy xe hàng đi bán tới tối mịt lại về.
'Được cái ông trời thương, bao nhiêu năm qua phơi sương phơi nắng ở đây. Cách đây không lâu tôi ốm đau suốt cứ nằm mãi ở nhà chán vô cùng. Không người thân thích bên cạnh. Sức khoẻ đỡ hơn một chút tôi lại ra đây bán hàng, ngắm mọi người cũng thấy khoẻ lên', bà Cân cười nói.
Bà bảo, dù bà nghèo nhưng lại thương những người nghèo hơn mình. Chính vì thế bà lão bị không ít người lợi dụng. 'Tôi tuy khổ nhưng lại thương những người khổ hơn mình hoặc đồng cảm với họ. Có người hỏi vay tiền tôi thấy họ khó khăn tôi sẵn sàng giúp đỡ nhưng rồi sau đó họ cũng chẳng trả lại. Tuy nhiên tôi không quá nặng nề lắm tôi chỉ tâm niệm một điều rằng còn khoẻ mình còn kiếm ra được thế nên số tôi xưa nay khổ chẳng bao giờ sướng lên được', bà Cân cười vui vẻ.
Ấy vậy nhưng cụ bà không giấu nổi nỗi buồn từ sâu thẳm tâm can. Mỗi khi dịp Tết mọi người tụ họp bên người thân gia đình, còn bà vẫn còm cõi đẩy xe hàng đứng ở tuyến phố bán chong chóng, kẹo cao su, quyển sách, cây bút…
'Bán như thế cho qua ngày đoạn tháng, nghĩ lại cũng thấy tủi thân vì mọi người có gia đình, có người thân bên cạnh còn tôi thì không. Dù vậy, bên ngoài còn nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn tôi, tôi thấy họ tôi lại thương, lại giúp đỡ vì họ cũng giống mình', bà Cân tâm sự.
Cách đây ít năm bà Cân cũng đã làm đơn xin >hiến xác cho y học. Bà tâm niệm một điều sống khoẻ, chết nhanh.
'Tôi chỉ mong khi chết có ai đó báo tin cho bệnh viện để họ đưa xác tôi vào vì tôi đã đăng ký hiến xác từ trước. Tôi cũng mong ông trời cho tôi sống khoẻ mạnh, chết nhanh để đỡ phải khổ vì tôi cũng không còn người thân thích gì cả. Hằng ngày ngồi đây thấy mọi người đi qua mua cho cái kẹo cao su hay đi qua hỏi han, cười nói là tôi vui và hạnh phúc lắm rồi', bà Cân chia sẻ thêm.