Đại úy Nguyễn Văn Mạnh - người đồng đội gắn bó gần 20 năm với Thượng tá Đặng Anh Quân xúc động: "Mất đồng đội, tôi đau đớn, cảm giác như mất đi một phần cơ thể". 23 năm trong ngành thì 20 năm anh Mạnh gắn bó với Thượng tá Đặng Anh Quân.
Sự việc ba liệt sĩ cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy hy sinh chiều 1/8 khi chữa cháy tại quán karaoke trên đường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP >Hà Nội khiến nhiều người vô cùng thương xót. Ba liệt sĩ gồm Thượng tá Đặng Anh Quân (45 tuổi), đội trưởng đội phòng cháy chữa cháy; Thượng úy Đỗ Đức Việt (24 tuổi), cán bộ phòng cháy chữa cháy; hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc (19 tuổi), chiến sĩ phòng cháy chữa cháy.
Chia sẻ với báo Dân Trí, Trung úy Nguyễn Xuân Hải - Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) bật khóc: "Lúc xuất phát, đồng đội điểm danh đầy đủ. Lúc về, không còn anh em nữa".
Đại úy Nguyễn Văn Mạnh - người đồng đội gắn bó gần 20 năm với Thượng tá Đặng Anh Quân cũng xúc động: "Mất đồng đội, tôi đau đớn, cảm giác như mất đi một phần cơ thể". 23 năm trong ngành thì 20 năm anh Mạnh gắn bó với Thượng tá Đặng Anh Quân.
"Anh em động viên phần nào giúp tôi tạm quên đi sự trống trải, nhưng khi ở một mình, tôi rối bời. Là một người lính mạnh mẽ, nhưng chút yếu lòng này tôi xin giữ riêng mình. Có lẽ phải một thời gian nữa, tôi mới có thể bình tâm trở lại" - anh Mạnh nói.
Trong hồi ức của những người ở lại, Thượng tá Đặng Anh Quân vừa là chỉ huy nhiệt tình vừa là người anh thân thiết, mẫu mực, tình cảm, nhưng cũng rất nghiêm khắc. Là một người tận tụy với công việc, có những ngày không trực, anh Quân cũng đến đơn vị. Trong những vụ cháy lớn, anh theo sát anh em, hoặc trực tiếp xông pha vào hiện trường.
Tính cách hòa đồng, biết lắng nghe và thấu hiểu của vị đội trưởng đã "phá vỡ" khoảng cách giữa chỉ huy và người lính. Anh say sưa kể về những "trận đánh" ác liệt nhất với "giặc lửa", chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng và cảm hứng yêu nghề tới các chiến sĩ trẻ.
Trong gia đình, anh là người cha luôn tự hào về thành tích học tập của con trai đầu. Anh định hướng con vào môi trường quân ngũ để rèn luyện và trưởng thành.
Thượng úy được nhận xét năng nổ, đam mê chữa cháy và không ngại khó khăn. Hình ảnh anh tươi cười bên chú chó vừa cứu được trong đám cháy vào tháng 12/2021 sau khi được chia sẻ khiến nhiều cộng đồng mạng không khỏi ngưỡng mộ, thương xót.
"Ân hận nhất với tôi là không có bức hình nào chụp cho Việt làm kỉ niệm. Em vẫn bảo "Anh chụp ảnh đẹp thế mà chưa chụp được cho em" - Trung úy Nguyễn Xuân Hải xúc động nhớ lại.
Đặc biệt, với Đại úy Nguyễn Văn Mạnh, Việt là một người em hay tếu táo, thường gọi anh là "chú" - thứ tình cảm đặc biệt mà anh nâng niu. Dù tuổi cháu, nhưng Việt luôn tạo cho anh Mạnh sự yên tâm về tính cách, phẩm chất và nghiệp vụ chuyên môn.
Đến giờ phút này, anh Mạnh chưa thể quên buổi sáng ngày 1/8, khi vừa giao ban xong, Việt đi qua anh, vỗ vai, nói:
- "Chú ạ, chiều nay cháu có một việc muốn nhờ chú, được không ạ?".
- "Được, có việc gì, cháu cứ bảo chú".
"Thế mà, mấy tiếng sau, Việt không còn nói chuyện với tôi nữa. Tôi vẫn luôn đau đáu, băn khoăn với câu hỏi của Việt. Điều này sẽ còn day dứt tôi mãi" - anh Mạnh nghẹn ngào.
Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc nhận được giấy báo đi nghĩa vụ công an trước khi nhận giấy báo trúng tuyển khoa Ngôn ngữ học, Đại học Hà Nội, Phúc xin bảo lưu kết quả tại trường để tham gia nghĩa vụ quân sự từ tháng 2/2022, chưa được một ngày chính thức nghỉ phép về nhà. Anh dự định khi kết thúc đợt nghĩa vụ, mong muốn tiếp tục học Đại học, ước mơ làm giảng viên hoặc phiên dịch viên.
"Phúc à, vhúng mình rất nể phục tấm gương hy sinh anh dũng của Phúc, sẽ thay bạn tiếp tục sống đẹp tuổi 19. Hành trình dài phía trước, những giấc mơ còn dang dở, chúng mình sẽ cố gắng hoàn thành" - Binh nhì Nguyễn Công Duy gửi lời tạm biệt người bạn thân.
Theo thông tin từ báo Người Lao Động, chương trình tổ chức lễ tang như sau, từ 7 giờ đến 9 giờ sáng 5-8 tại Bệnh viện 198 (phố Trần Bình, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội): Đưa thi hài 3 liệt sĩ từ bệnh viện qua nhà riêng và về Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).
Từ 13 giờ đến 17 giờ cùng ngày, tại Nhà tang lễ quốc gia sẽ diễn ra lễ công bố quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất của Chủ tịch nước và quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công của Thủ tướng Chính phủ cho 3 liệt sĩ; sau đó là lễ viếng và lễ truy điệu.
Từ 17 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng sẽ dẫn đoàn di quan từ Nhà tang lễ quốc gia đi Đài hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) theo tuyến đường: Nhà tang lễ quốc gia - Trần Thánh Tông - Lê Thánh Tông - Lý Thường Kiệt - Lê Duẩn - Giải Phóng - Ngọc Hồi - Phan Trọng Tuệ - vào Nghĩa trang Văn Điển.
Trong các ngày 6-8, 7-8 và 9-8, từ 6 giờ đến 12 giờ, Ban tổ chức và gia đình tiếp nhận tro cốt 3 liệt sĩ tại nghĩa trang Văn Điển và xuất phát đi an táng tại nghĩa trang liệt sĩ TP Hà Nội (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) theo tuyến đường: Nghĩa trang Văn Điển - Phan Trọng Tuệ - Cầu Bươu - Phùng Hưng - Trần Phú - Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng - Hồ Tùng Mậu - Cầu Diễn - Tây Tựu - nghĩa trang liệt sĩ TP Hà Nội.