Hậu tai họa động đất, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang phải đối mặt nhiều vấn đề lớn khi có hàng nghìn trẻ em đang phải đối diện với cảnh như bạo lực, bóc lột, lạm dụng,...
Theo thông tin từ báo Pháp Luật TP.HCM cho biết trong những ngày gần đây, câu chuyện về bé gái Syria chào đời và sống sót sau hơn 10 giờ dưới đống đổ nát của trận >động đất kinh hoàng ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria đã thu hút sự chú ý của mọi người trên khắp thế giới.
Bé gái được cứu khi dây rốn vẫn còn dính với người mẹ đã chết. Đáng thương hơn nữa là 6 thành viên còn lại trong gia đình bé đều thiệt mạng. Bé hiện đang được chăm sóc tại bệnh viện thị trấn Afrin (Syria) gần đó và được bác sĩ đặt tên là Aya - có nghĩa là phép màu trong tiếng Ả Rập.
Khi câu chuyện của Aya được lan truyền, nhiều người từ khắp thế giới muốn nhận nuôi cô bé nhưng người chú của Aya - ông Salah al-Badran xác nhận sẽ nuôi em dù ngôi nhà của ông cũng đã bị động đất san bằng, theo tờ The Guardian.
Theo chuyên gia truyền thông khẩn cấp của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) - ông Joe English, việc nhận con nuôi không nên xảy ra ngay sau các trường hợp khẩn cấp.
Ông nói với đài CNN: “Nếu chưa xác minh được nơi ở của cha mẹ hoặc họ hàng trong gia đình của đứa trẻ, thì chúng đều được coi là có người thân còn sống”.
“Nên thực hiện mọi biện pháp để đưa trẻ em đoàn tụ với gia đình, nếu việc đoàn tụ mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ”.
Tương tự như Aya, cậu bé Tariq Haidar (3 tuổi) cũng được kéo ra khỏi đống đổ nát của ngôi nhà ở Jandaris, miền bắc Syria, 42 giờ sau khi trận động đất xảy ra. Cậu bé được đưa đến bệnh viện và buộc phải cắt bỏ chân trái.
Gia đình của Haidar cũng không qua khỏi. Y tá Malek Qasida - người chăm sóc cho cậu bé nói với hãng tin Reuters: “Nhân viên cứu hộ đưa thi thể của bố và hai anh chị em của Haidar ra ngoài ngay trước mắt cậu bé”. Thi thể của mẹ và người anh chị em còn lại cũng được tìm thấy sau đó.
Aya và Tariq chỉ là 2 trong rất nhiều trẻ em ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria mồ côi sau trận động đất chết người hôm ngày 6/2.
Ông English cho biết: “Mặc dù chúng tôi [UNICEF] chưa có bất kỳ con số cụ thể nào do số người chết không ngừng tăng, nhưng rõ ràng là rất nhiều trẻ em sẽ mồ côi sau trận động đất kinh hoàng này”.
“Việc khẩn trương xác định những trẻ em không có người đi cùng và những trẻ có thể đã bị tách khỏi cha mẹ là hết sức quan trọng để đảm bảo các em nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ cần thiết”.
“Sau những thảm họa như thế này, trẻ em phải di dời, đặc biệt là những trẻ không có người thân đi cùng sẽ dễ bị bạo lực, bóc lột, lạm dụng và cả nguy cơ bị buôn bán hoặc bạo lực trên cơ sở giới” - ông nói thêm.
Ông cũng cho biết: “Ngoài việc kịp thời cứu sống, cung cấp nước uống, quần áo, vật tư y tế và >dinh dưỡng, UNICEF cũng đang làm việc với các đối tác để hỗ trợ về tâm lý cho trẻ em bị ảnh hưởng, giúp các em vượt qua tổn thương”.
“Đây không phải là một công việc ngắn hạn và sẽ cần sự hỗ trợ tận tâm, lâu dài” - ông nhấn mạnh.
Thông tin về số lượng chính xác >trẻ em mồ côi cha mẹ vẫn chưa rõ ràng. Bộ Gia đình và Dịch vụ xã hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/2 cho biết không thể liên lạc được với gia đình của 263 trẻ em cứu từ đống đổ nát ở nước này.
Trong số những trẻ này, 162 trẻ tiếp tục được chăm sóc tại bệnh viện, 101 trẻ được chuyển đến các đơn vị khác của Bộ để được chăm sóc sau khi điều trị.
Trước đó như báo Tuổi Trẻ đã đưa tin, tính đến nay đã có gần 24.000 người ở miền Bắc Syria và Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng sau trận động đất, để lại vô số trẻ mồ côi. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, UNICEF, cho biết họ đã phối hợp với các bệnh viện để tìm kiếm những người thân trong gia đình có thể chăm sóc trẻ mồ côi.
Bộ Gia đình và Dịch vụ xã hội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết những đứa trẻ không thể tìm thấy gia đình hoặc người thân đang được chăm sóc tại các cơ sở nhà nước. Tại đây, nhân viên sẽ đánh giá nhu cầu của các em và đưa đến các gia đình nuôi dưỡng đã đăng ký.
Gần thị trấn Azaz của Syria do phe đối lập kiểm soát, một tổ chức phi chính phủ đã thành lập một trại trẻ mồ côi tạm thời, hiện là nơi ở của khoảng 40 trẻ em.