Sau 4 tháng, lai lịch nạn nhân trong vụ phát hiện xương người ở khu du lịch hồ Tuyền Lâm Đà Lạt vẫn là 1 ẩn số.
Như đã đưa tin trước đó, theo Thanh Niên, ngày 1/6, người dân địa phương đi trên đường Hoa Hồng, trong khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), phát hiện một vật giống xương chân người nên đã trình báo cơ quan chức năng.
Ngay sau khi nhận được tin báo, cơ quan chức năng P.4 (TP.Đà Lạt) đã báo cáo cấp trên, đồng thời huy động lực lượng bảo vệ hiện trường. Theo ghi nhận ban đầu, bộ phận giống chân> xương người nói trên nằm giữa đường Hoa Hồng, gồm phần giống xương đùi và xương ống cùng bàn chân người.
Theo cơ quan chức năng, thời gian gần đây không có ai trình báo việc người nhà mất tích. Nhận định ban đầu vật giống xương chân người đang trong quá trình phân hủy; cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành lấy mẫu để giám định ADN vật giống xương chân người trên.
Liên quan đến vụ việc, dẫn tin từ Dân Trí, sau 4 tháng, lai lịch nạn nhân vẫn là ẩn số. Luật sư Dương Đức Thắng (Giám đốc Công ty Luật Đức Trí Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận theo nghiệp vụ, những sự việc như này có thể coi là "án mờ", tức vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp nhưng thuộc diện khó điều tra vì mọi thứ còn mù mờ, thiếu căn cứ xác đáng.
Đối với những trường hợp như vụ việc trên, cơ quan điều tra vẫn sẽ lập hồ sơ vụ việc và tiến hành các hoạt động điều tra, thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ như bình thường. Về thời hạn giải quyết, căn cứ Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được quy định như sau:
Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm không quá 20 ngày, từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tin báo. Đối với những trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết có thể kéo dài thời hạn giải quyết nhưng không quá 02 tháng kể từ ngày nhận được tin báo.
Trường hợp sắp hết thời gian sau khi gia hạn lần thứ nhất nhưng chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh thì chậm nhất 5 ngày trước khi hết thời hạn, cơ quan đang thụ lý, giải quyết phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.
Trong thời hạn 3 ngày từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Viện kiểm sát có thẩm quyền phải xem xét, quyết định. Trường hợp đề nghị của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là có căn cứ thì Viện kiểm sát ra Quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh. Thời hạn gia hạn là không quá 2 tháng kể từ ngày hết thời hạn lần thứ nhất.
Như vậy, thời gian tối đa giải quyết tin báo về tội phạm là không quá 4 tháng. Nếu hết thời hạn nêu trên mà không thể kết thúc việc điều tra do thuộc các trường hợp quy định tại Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp lý do tạm đình chỉ không còn, cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Khi đó, thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là không quá 1 tháng, kể từ ngày ra quyết định phục hồi.
"Đối với trường hợp xảy ra tại Đà Lạt, có thể thấy đã quá 4 tháng từ ngày phát hiện nguồn tin về tội phạm. Trường hợp này, nếu chưa thể tống đạt các quyết định tố tụng, cơ quan điều tra cần xác định nguyên nhân có thuộc các tường hợp quy định tại Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 hay không. Nếu thuộc các trường hợp trên, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết tin báo về tội phạm.
Cần lưu ý đây chỉ là quyết định tạm đình chỉ giải quyết tin báo. Khi lý do tạm đình chỉ không còn, cơ quan điều tra có thể phục hồi giải quyết để tiếp tục xác minh, giải quyết theo quy định của pháp luật", ông Thắng bình luận.