Không phải là vụ đầu tiên thuộc trường hợp án mạng vì mâu thuẫn tình ái, chuyên gia tâm lý học nhận định những sự việc trên liên quan đến đạo đức, lối sống hiện đang xuống cấp.

Thiên Bảo (t/h) 15:04 21/10/2022

Theo thông tin từ VietNamNet trước đó, ngày 10/10, do quen biết với chủ cơ sở Anh spa ở xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) nên chị N. về làm việc tại đây.

Sáng hôm đó, Hòa đến cơ sở Anh spa tìm chị N. nhưng không thấy. Khoảng 19h, Hòa quay lại và gặp chị N. với mong muốn nối lại tình cảm. Khi chị N. không đồng ý, hai bên xảy ra mâu thuẫn, lời qua tiếng lại. Hòa bất ngờ dùng dao đâm nhiều nhát khiến chị N. tử vong tại chỗ.

Sau đó, hung thủ dùng chính hung khí gây án đâm vào phần cổ, bụng mình 4 nhát, tuy nhiên do được cấp cứu kịp thời nên thoát chết.

Công an Hải Dương có mặt tại hiện trường điều tra vụ việc. Ảnh: VietNamNet

Từ góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hiếu - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ trên Báo Pháp Luật Plus cho hay, trong vụ việc này, đối tượng Hoà đã tước đoạt đi sinh mạng của cô gái là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, vì nghi phạm đã xâm phạm đến quyền được sống của nạn nhân.

Theo quan điểm của Luật sư, hành vi phạm tội của nghi phạm có dấu hiệu cấu thành tội “Giết người” theo quy định tại điểm n, khoản 1 Điều 123 BLHS 2015, với hình phạt lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ chứng minh động cơ gây án là do mâu thuẫn tình cảm, nghi phạm có thể đối diện các tình tiết định khung của tội danh “giết người” vì có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn.

Vụ việc có tính chất nghiêm trọng. Ảnh: Người Lao Động

Ở góc nhìn khác, chuyên gia - Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thanh Nga - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, đây không phải là vụ đầu tiên thuộc trường hợp án mạng vì mâu thuẫn tình ái. Thời gian qua trong thực tế cũng đã xảy ra những vụ án mạng do mâu thuẫn tình cảm, nạn nhân phần lớn là phụ nữ, là những người yếu thế. Hiện tượng này cho thấy đang có sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, lối sống.

Nhiều đối tượng do thiếu kỹ năng sống, không làm chủ được tâm lý hoặc không biết cách quản lý cảm xúc nên khi có chuyện đau, buồn hoặc có chuyện không vừa ý, bị phản bội thì sẵn sàng nổi nóng, dùng vũ lực để giải quyết, thậm chí sát hại nạn nhân để thỏa mãn cơn nóng giận. Điều này mang đến một mối nguy hiểm cho xã hội.

Cũng theo Tiến sĩ Nga, với những người trẻ tuổi thì cảm xúc sẽ mãnh liệt hơn, kinh nghiệm sống ít hơn nên khả năng kiểm chế cảm xúc bị hạn chế hơn. Từ đó, khiến hành động của chủ thể dễ có những hành động có tính chất “điên cuồng”, trái với đạo đức, quy định của pháp luật.

Do đó, để giảm thiểu những vụ án mạng do mâu thuẫn tình cảm thì vấn đề giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục ý thức trách nhiệm, lòng vị tha, trách nhiệm hy sinh, cống hiến và giáo dục kỹ năng sống là vấn đề cần phải đề cao hơn nữa. “Chỉ khi con người giao tiếp với nhau có đạo đức, nhân văn, hướng thiện, ý thức tôn trọng người khác được đề cao thì những vụ án thương tâm như trên mới không còn nữa” - Tiến sĩ Nga nhấn mạnh.

 

Thiên Bảo (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe