Để tránh mọi người tụ tập tại những điểm phát cơm miễn phí, anh Đức cùng những tình nguyện viên đã chia ra, mỗi người một xe chở theo thùng đựng cơm đi khắp nhiều tuyến đường Đà Nẵng để phân phát cho người lao động nghèo trong những ngày cách ly xã hội.
Trưa 14/4, tại góc nhỏ trên đường Lý Triện (phường An Khê, quận Thanh Khê, >Đà Nẵng), 4 người phụ nữ trong quán cơm "Yên Vui" vẫn đang tất bật chuẩn bị những phần cơm tặng cho người nghèo trong mùa dịch >Covid-19.
Đây là quán cơm nghĩa tình đã cưu mang, giúp đỡ nhiều mảnh đời khốn khó trong suốt nhiều năm qua. Cứ đều đặn 3 buổi/tuần vào thứ hai, thứ tư, thứ sáu, những người nghèo lại đến đây để nhận cho mình những phần ăn với giá chỉ 1.000 đồng - 2.000 đồng.
Để chuẩn bị hàng trăm suất cơm phát mỗi ngày trong suốt thời gian cách ly toàn xã hội, các thành viên trong quán >cơm từ thiện Yên Vui đều dậy từ 5 giờ sáng.
Được biết, quán Yên Vui nằm trong dự án Trợ giúp suất ăn giá rẻ của Quỹ Từ thiện Bông Sen. Dự án xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh và quán Yên Vui là quán đầu tiên áp dụng mô hình mới và có địa chỉ hoạt động ngoài địa phương này.
Bắt đầu từ ngày cách ly toàn xã hội đầu tiên, quán cơm này đã nghỉ bán, tuy nhiên căn bếp thì vẫn luôn đỏ lửa, hoạt động hết công suất để nấu hàng trăm suất cơm mỗi ngày phục vụ miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn.
Hàng trăm suất cơm di động miễn phí mỗi ngày đang là cứu cánh của không ít người nghèo ở Đà Nẵng trong "bão dịch".
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Duy Đức (SN 1981, trú P.Tân Chính, Q.Thanh Khê) - Chủ quán cơm Yên Vui cho biết, kể từ ngày thực hiện cách ly toàn xã hội, CLB của anh đã tổ chức phát gần 300 suất cơm miễn phí mỗi ngày.
Đặc biệt, để tránh mọi người tụ đông, anh Đức đã cùng với các thành viên trong nhóm chia ra, mỗi người một xe chở theo thùng đựng cơm đi khắp các tuyến đường để phân phát cho những người lao động nghèo.
Anh Nguyễn Duy Đức cùng các tình nguyện viên của quán cơm Yên Vui dùng xe máy để ship hàng trăm suất cơm miễn phí cho người nghèo.
Những phần cơm, kèm theo những bịch sữa, chai nước chính là tấm lòng nhỏ quán cơm nghĩa tình này gửi đến bà con nghèo trong mùa dịch.
"Bình thường họ đã khốn khó, dịch bệnh thế này thì lại càng khổ hơn. Dù những suất cơm này không đáng là bao nhưng mình mong có thể giúp một phần nào đó cho những người khó khăn tạm vượt qua cơn khủng hoảng này, cùng chính phủ sớm chiến thắng dịch bệnh", anh Đức, bộc bạch.
Bên cạnh đó, phía trước quán, anh Đức cũng đặt sẵn những suất ăn trưa trên bàn để ai cần thì đến lấy kèm với một lưu ý: "Xin bà con vui lòng không đứng quá gần nhau, rửa tay sát khuẩn trước khi lấy cơm. Cảm ơn!".
Chạy chiếc xe máy cà tàng, chở theo sau thùng đựng cơm, anh Đức lặn lội qua khắp các tuyến đường lớn nhỏ ở Đà Nẵng. Cứ hễ đi đến đâu thấy người lao động nghèo, anh Đức đều dừng lại và mang cơm đến trao tận tay cho họ.
Những suất cơm ấm áp được trao tận tay những người nghèo.
Suốt nửa tháng nay, quán cơm Yên Vui đã trở thành chỗ dựa của hàng trăm người lao động nghèo trong cơn "bão dịch".
Nhận hộp cơm nghĩa tình từ người đàn ông xa lạ, chú Nguyễn Văn Lanh (trú quận Hải Châu) không giấu được nụ cười hạnh phúc, cho biết mình làm nghề chạy xe ôm, nuôi 2 con ăn học và phụng dưỡng người mẹ già yếu. Thế nhưng, dịch bệnh kéo dài, gia cảnh chú vốn đã khó khăn lại càng lâm vào cảnh thiếu thốn đủ bề.
"Cả tuần nay ế khách, không có tiền nên tôi chỉ dám ăn bánh mì không ‘cầm đói’ qua ngày thôi. Hiện, tại những người làm thuê như tôi đều thất nghiệp cả, ai cũng đói ăn hết rồi. Cũng may có những suất cơm miễn phí như thế này cứu giúp những người lao động nghèo như chúng tôi cầm cự qua được mùa dịch này…", ông Lanh, chia sẻ.
Anh Đức cho biết, anh cùng các tình nguyện viên mong muốn san sẻ những khó khăn với những người lao động nghèo và khuyến khích họ tiếp tục "chiến đấu" trong những ngày dịch bệnh kéo dài.
Các "shipper" đều trang bị khẩu trang, bao tay, cồn sát khuẩn... để đảm bảo trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19.
Cầm trên tay hộp cơm nóng hổi, rồi lụi hụi đẩy chiếc xe chở ve chai về phía cuối đường vẫn không giấu được nụ cười hạnh phúc, chị Thu Hồng, cho biết: "Cả tháng nay, chị đi nhặt ve chai mà không được nhiều như trước nên thu nhập cũng bấp bênh lắm. May có hộp cơm miễn phí để ăn trưa cũng đỡ lắm. Người Đà Nẵng tốt bụng quá, chị đi nhặt ve chai toàn được họ cho không à".
Quê ở tận Quảng Ngãi, bị chồng đánh đập và ruồng bỏ, chị Hồng phải một mình ôm theo đứa con 8 tuổi bị bại não ra Đà Nẵng để mưu sinh. Gần 2 năm nay, chị sống bám víu vào chiếc xe ve chai này, những ngày dịch bệnh khiến cuộc sống của chị càng thêm chật vật. Cũng nhờ những suất cơm nghĩa tình đến từ những người xa lạ này mà suốt hơn 10 ngày qua, mẹ con chị đã có miếng ăn qua ngày…
Không riêng gì anh Đức, mà suốt gần nửa tháng nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng đã xuất hiện hơn 10 điểm phát cơm miễn phí cho những người đang gặp khó khăn trong mùa dịch. Vậy đó, ở Đà Nẵng này, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn tồn tại những điều tử tế và dễ thương xuất phát ngay trong cuộc sống thường ngày.