Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng Đại tá Lê Quyên (SN 1932) vẫn rất minh mẫn, da dẻ hồng hào, không phải nhờ đến con cháu trong các công việc hàng ngày nhờ duy trì lối sống khoa học.
Nhắc đến tuổi 92, nhiều người nghĩ rằng đây là độ tuổi “gần đất xa trời”, tuổi cao sức yếu, còn sống với con cháu là điều may mắn. Tuy nhiên, khi gặp Đại tá Lê Quyên - nguyên Trợ lý Phòng Quân số, Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiều người sẽ phải trầm trồ và bất ngờ với cuộc sống hàng ngày của ông.
Tháng 3/1950, khi vừa tròn 18 tuổi ông Quyên nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc hăng hái tham gia bộ đội. Sau đó, ông trải qua nhiều cuộc kháng chiến từ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, đến Chiến dịch Hòa Bình năm 1951; chiến dịch Tây Bắc năm 1953; chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và các chiến dịch ở miền Nam từ năm 1965 đến năm 1975.
Trải qua gần 40 tham gia các cuộc kháng chiến, đến khi đất nước hòa bình, giành độc lập tự do, ông Quyên trở về với nhiều thương tích trên người do tàn dư của bom đạn. Tuy nhiên, với ông còn sống sót sau chiến tranh đã là điều may mắn, là kỳ tích, khi rất nhiều đồng đội của ông đã “ngã xuống” nơi chiến trường.
Năm nay, bước sang tuổi 92 nhưng ông vẫn giữ được cốt cách của một người lính với những lịch trình sinh hoạt được ông duy trì bao nhiêu năm qua. Nhờ đó, ở tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ông vẫn tự làm nhiều việc không cần con cháu giúp đỡ.
Ông Quyên cho biết, ông thích đọc sách nên đã giữ thói quen này trong mấy chục năm qua. Vì thế, tuy thính lực của ông có phần suy giảm do tuổi già nhưng mắt mắt vẫn sáng và nhìn rõ được mọi thứ.
“Sách là kho tàng tri thức vô giá của nhân loại và đọc sách giúp tôi rèn thêm trí nhớ, giảm căng thẳng, giúp tinh thần thoải mái hơn nên ngày nào tôi cũng dành thời gian để đọc sách”, ông Quyên nói và chỉ vào trong phòng ngủ với những chồng sách được đặt ngay ngắn trên bàn.
Nói thêm về sở thích của mình, ông Quyên cho biết thêm, ông rất thích đi du lịch để xem phong cảnh đất nước đang từng ngày thay đổi.
“Tôi thích đi du lịch, muốn đi khắp đất nước để được chụp ảnh, ghi chép lại các di tích, danh lam sau này làm tư liệu cho con cháu. Đặc biệt, có đi mới thấy được đất nước mình đang thay đổi từng ngày như thế nào,> xã hội ngày càng hiện đại ra sao.
Cách đây vài năm, hầu như năm nào tôi cũng đi du lịch, tôi đi khắp mọi nơi từ Nam ra Bắc. Tuy nhiên, bây giờ >sức khỏe không cho phép nên tôi không còn đi nhiều nữa”, ông Quyên chia sẻ.
Khi được hỏi bí quyết để duy trì sức khỏe ở tuổi 92, ông Quyên cho biết mình không có bí quyết gì ngoài việc xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và chăm tập thể dục thể thao. Các thói quen này đã được ông áp dụng từ khi còn trẻ và duy trì tới tận bây giờ.
“Tôi bị tiểu đường nên ăn uống đơn giản. Bác sĩ dặn sáng ăn khá, chiều ăn vừa phải, tối ăn ít nên tôi cứ thế áp dụng theo. Ngoài ra cũng không bia rượu, chỉ thỉnh thoảng thèm lắm thì làm vài điếu thuốc lào”, ông Quyên nói.
Ngoài ra, mỗi sáng sớm khi thức dậy, ông đều dành thời gian tập thể dục thể thao để cơ thể thoải mái, dẻo dai.
“Sáng nào ngủ dậy tôi cũng đi bộ ra công viên, chạy tại chỗ sau đó tập hít thở, vẫy tay 200 cái. Sau đó, đi loanh quanh tòa nhà gặp gỡ vài người bạn mà tôi quen, ngồi uống trà, trò chuyện với nhau là hết ngày”, ông Quyên nói.
Đại tá Lê Quyên là người đã dành trọn tuổi xuân cho đất nước và trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Năm 36 tuổi ông Quyên mới lấy vợ nhưng cũng chỉ ở với vợ được 2 tuần rồi lại lên đường vào chiến trường Nam Bộ.
Cuộc sống đằng đẵng nơi chiến trường đã tôi rèn cho ông ý chí và nghị lực của một người lính. Năm 1975 khi đất nước được giải phóng, Nam – Bắc sum họp một nhà, ông Quyên mới có thời gian quay trở về cùng với vợ. Năm 1976, ở tuổi 45 ông lần đầu được đón nhận niềm hạnh phúc làm cha.
Với tâm thế của một người lính trở về từ chiến trường, ông luôn tâm niệm phải là tấm gương cho con cháu sau này. Vì thế, khi còn công tác hay khi về già ông vẫn duy trì thói quen và lối sống khoa học để rèn luyện sức khỏe mỗi ngày.