Có lần cô bé Thư đã nghĩ quẩn, nhưng thương mẹ, Thư lại quyết định ở lại cuộc đời này với mong ước lan tỏa những điều tốt đẹp đến với nhiều người như mình.

Quang Huy (TH) 08:15 02/06/2022

Chúng tôi đến thăm Trần Thị Anh Thư (SN 2008, Nam Định) vào một buổi chiều khi em vừa đi làm căn cước công dân về. Nói là "đi" thì cũng không đúng, vì căn bệnh thoái hóa khớp tủy đã làm em không thể ngồi hay đứng dậy đi lại. Giờ đây chỉ có thể nhờ mẹ bế thì mới được ra ngoài. Người mẹ giữ thật cẩn thận để em không bị ngã, còn Thư thì nằm trong lòng mẹ, nhỏ bé, yếu ớt.

Trong căn phòng nhỏ nơi Thư và mẹ hiện đang sinh sống không có gì nhiều ngoài những vật dụng thường ngày như chiếc quạt, phích nước, vài ba bộ quần áo và chăn màn đã được gấp gọn gàng.

Từng nghĩ quẩn đến mức làm đau bản thân

"Cháu biết mình mắc bệnh hồi 13 tuổi, cháu lên google tìm hiểu xem bệnh đó như thế nào, sau đó lại thấy hụt hẫng vì đến giờ chưa có cách nào chưa được bệnh này cả", Thư trải lòng.

Chị Thoa (SN 1981) mẹ của Thư chia sẻ, khi sinh ra, Thư cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, cũng biết lẫy, biết bò, biết vịn cửa đứng lên. Nhưng đến khi 8 tháng tuổi, em yếu dần đi, không tự đứng lên được nữa, ngồi cũng không vững, vẹo hết cả xương sườn, xương sống.

"Bác sĩ chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp tủy của cháu càng lúc sẽ càng nặng hơn, tuổi thọ cũng rất thấp. Nhà tôi có một bé đầu cũng bị bệnh như thế và mất lúc 4 tuổi rồi. Hai vợ chồng cũng rất buồn, chỉ mong Thư khỏe mạnh hơn".

Bé Anh Thư bị bệnh nan y, nhưng trên môi vẫn không tắt nụ cười.

Chị Thoa bảo, gia đình cũng từng cho Thư đi thuốc thang khắp nơi nhưng thời gian gần đây đã dừng. Cả Thư và bố mẹ cũng đã dần chấp nhận thực tế đau buồn này. Chị Thoa hiện làm công nhân ở công ty may Giang Nam, lương 7 - 8 triệu đồng một tháng, hai mẹ con cũng đủ sống và tiết kiệm dành dụm cho những lúc Thư ốm đau. 

Bố Thư đi làm xa, thỉnh thoảng gọi điện về hỏi thăm và cho em 500 - 700 nghìn đồng để em thích gì thì mua. Tuy cuộc sống không mấy dư dả nhưng mọi người luôn cố gắng để Thư được vui vẻ.


Năng lượng tích cực của Thư khiến mẹ em cảm thấy được an ủi phần nào.

"Trông con như vậy thật ra rất vất vả. Đêm ngủ cháu cũng gọi mẹ dậy 1 - 2 lần để trở mình. Thư không thể nằm mãi một bên được vì rất đau.

Năm cấp hai, Thư không có bạn bè chơi cùng, lúc đấy cháu nhận thức được là bị bệnh như này như người vô dụng, không làm được gì mà lại phiền đến người khác. Thư không có ai để chia sẻ, có khoảng thời gian áp lực quá, cháu tự làm hại bản thân, thậm chí có ý định huỷ hoại mình", chị Thoa trải lòng.

Nghĩ đến tương lai của con, bản thân người mẹ cũng mông lung vì nhận thức của Thư chỉ ngang với trẻ lớp 1, lại không làm được việc gì vì >sức khỏe yếu, kém tự tin.

Muốn lan tỏa sự lạc quan cho người cùng cảnh ngộ

Bản thân chị Thoa cũng mắc bệnh trầm cảm mấy năm nay. Quá nhiều những khó khăn, vất vả, sự tù túng trong cuộc sống đã khiến chị gặp vấn đề về tâm lý khá lớn. Nếu uống thuốc sẽ gây buồn ngủ và ngủ rất say, đêm con gọi không nghe thấy gì; mà dừng lại không uống nữa thì bệnh trở lại như cũ, thành ra chị cũng rối.


Thư dùng các nền tảng MXH để lan tỏa sự lạc quan đến người khác.

 

Chị Thoa cảm thấy vui vì Thư là người hiểu chuyện, rất quan tâm và lo lắng cho mẹ. Đôi khi chị coi em như người bạn, hai mẹ con tâm sự với nhau, Thư nói chuyện với mẹ cũng rất chín chắn, truyền cho mẹ rất nhiều năng lượng tích cực.

"Cháu cảm thấy may mắn vì nhiều trường hợp còn bị nặng hơn. Cháu như này là vẫn còn nhẹ lắm. Nên thỉnh thoảng cháu vẫn động viên mẹ cố gắng, cứ từ từ biết đâu bệnh lại khỏi".

Sau khi trải qua những tháng ngày sống trong sự thất vọng, chán nản cùng cực, hơn ai hết, Thư hiểu rõ tinh thần lạc quan, yêu đời ảnh hưởng lớn đến như thế nào với người bị bệnh. "Cháu chết đi thì có biết gì đâu, chỉ đau lòng cho người ở lại, từ đó cháu không bao giờ nghĩ đến chuyện chết nữa mà phải sống thật tích cực".

Đó cũng là lý do mà Thư luôn muốn lan tỏa năng lượng tích cực của mình cho những người cùng cảnh ngộ. Em làm điều đó mọi lúc có thể. Không thể di chuyển được, Thư làm điều đó qua mạng xã hội, qua Facebook, YouTube hay TikTok.

Rất nhiều người đã tìm đến Thư để ngỏ ý muốn giúp đỡ, từ tặng quà, tiền mặt cho hai mẹ con nhưng em đều từ chối. Em muốn dành những sự tốt đẹp đó cho người khác vì tự thấy bản thân mình đã đủ, không cần dùng đến số tiền đó.

Một trong những người mà Thư tìm đến để lan tỏa năng lượng tích cực đó là Thơ Nguyễn – người đã đến tận nhà tặng em cái ôm như "mơ ước nhỏ nhoi" muốn làm cho "cuộc đời phải thật hạnh phúc" của mình.

YouTuber Thơ Nguyễn trong một lần gặp gỡ Anh Thư.

"Tôi biết đến bé Thư khá tình cờ thông qua mạng xã hội. Đã rất nhiều lần tôi cùng mọi người ngỏ ý giúp đỡ vì biết gia đình Thư không khá giả, em đều từ chối. Điều tuyệt vời nhất là dù khó khăn nhưng Thư lúc nào cũng muốn chia sẻ với người khác. Khi tôi gửi chút quà, em chỉ cảm ơn và nhờ tôi chuyển số quà đến cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Thư từng nhắn với tôi là ‘Nhờ có chị mà em cảm thấy vui hơn’, điều đó làm tôi cảm thấy rất tự hào, cảm thấy đường đi của mình là hướng đi đúng. Tôi cũng có những vấp ngã nhưng nhờ có Thư và các bạn tôi đã đứng dậy được. Và những lúc như thế tôi tự nhủ bản thân phải tốt hơn để xứng đáng với những tình yêu thương của các bạn dành cho mình. Đó là điều mà tôi cảm thấy biết ơn Thư rất nhiều.", YouTuber Thơ Nguyễn chia sẻ.


 

 

Theo Nhật Vũ/Tổ Quốc