Bản án của tòa án tỉnh Thái Nguyên dành cho tài xế xe container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc đang gây chú ý của dư luận cả nước. Theo các luật sư, trong vụ án này, hội đồng xét xử chưa làm sáng tỏ 4 nội dung quan trọng của vụ án.
Buộc tội tài xế Hoàng "không giữ khoảng cách an toàn" là nhầm lỗi
Liên quan đến vụ xe container tông xe Innova đi lùi trên cao tốc, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 2/11 vừa qua, TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên phạt bị cáo Lê Ngọc Hoàng 6 năm tù và bị cáo Ngô Văn Sơn 9 năm tù về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".
So với bản án sơ thẩm mà TAND thị xã Phổ Yên tỉnh này tuyên trước đó, bị cáo Hoàng đã được giảm án 2 năm, còn Sơn được giảm 1 năm. Ngoài ra, cả 2 bị cáo phải bồi thường dân sự cho gia đình những nạn nhân trong vụ việc số tiền hơn 1 tỷ đồng (bị cáo Sơn chịu 2/3, bị cáo Hoàng chịu 1/3).
Sau khi bản án phúc thẩm được tuyên bố, dư luận, đặc biệt là cộng đồng tài xế trên khắp cả nước đã chia sẻ nhiều ý kiến trái chiều.
Rất nhiều người phản đối bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên, cho rằng đây là kết luận chưa hợp tình, hợp lý.
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết, TAND Tỉnh Thái Nguyên xác định, lái xe container có lỗi "Không giữ khoảng cách an toàn" là xác định nhầm lỗi.
Nếu cho rằng lái xe container "không giữ khoảng cách an toàn" với xe Innova, gây ra vụ tai nạn là mặc nhiên thừa nhận xe Innova được phép lưu thông (lùi) trên đường cao tốc một chiều mà các phương tiện không được phép đi ngược chiều.
Theo quan điểm của vị luật sư, xe Innova đi lùi ngược chiều không được coi là tham gia giao thông. Các cơ quan tố tụng xác định lỗi của xe container đã có sự nhầm lẫn. Việc xác định nhầm lỗi này đã gây ra phản ứng cho dư luận về việc giải quyết vụ án của các cơ quan pháp luật tỉnh Thái Nguyên.
Việc xe Innova đi lùi ngược chiều trên cao tốc không quan sát phía sau, trong khi xe container đi đúng chiều, đúng tốc độ cho phép mà va chạm với nhau không thuộc lỗi giữ khoảng cách an toàn theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Việc Kiểm sát viên cho rằng phải giữ khoảng cách an toàn là điều viển vông, phi thực tế, đặc biệt là có thành viên HĐXX còn cho rằng chỉ dừng xe trong 1 giây là sự suy diễn, áp đặt, thiếu kiến thức chuyên môn.
4 điểm quan trọng bị cơ quan tố tụng bỏ quên
Trong khi đó, Tiến sĩ, Luật sư Lê Văn Thiệp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, hành vi của lái xe Innova là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, phạm nhiều lỗi như: Chở quá số người quy định, uống rượu bia vượt quá ngưỡng cho phép, lùi xe trên đường cao tốc..... và đây chính là nguyên nhân gây ra tai nạn thảm khốc làm 4 người thiệt mạng, hư hỏng tài sản......
Trong quá trình điều tra vụ án, việc thực nghiệm điều tra chưa bảo đảm, chưa đáp ứng các yêu cầu về thu thập chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội, mối quan hệ nhân quả dẫn đến thiệt hại về người và tài sản.
"Trong vụ án này, còn 4 điểm quan trọng chưa được làm rõ. 4 điểm gồm: tài xế ôt ô chở thép có phanh trước khi va chạm, cần xác định tốc độ lùi của Innova chở 11 người, chưa trưng cầu giám định tốc độ của xe ô tô Innova đi ngược chiều có tốc độ bao nhiêu và với tự trọng và tải trọng của xe container thì cần quãng đường bao nhiêu để dừng xe an toàn", ông Thiệp chia sẻ.
Ông Thiệp phân tích thêm, đầu tiên, ở phiên phúc thẩm tòa án kết luận tài xế Hoàng không chú ý quan sát, không giảm tốc độ.
Do đó, khi ôtô cách chiếc Innova 30 m, Hoàng mới phát hiện xe đang lùi rồi nhấn phanh. Bị cáo Hoàng phạm lỗi vô ý, quá tự tin.
Trong khi đó, tài xế xe tải trọng lớn khai anh ta đã rà phanh khi cách chiếc xe đang dừng đỗ khoảng 70 m. Sau đó, thấy ôtô con đi lùi ngược chiều ra giữa đường, Hoàng giẫm chết phanh nhưng do quá gần nên không tránh kịp.
Chính vì vậy, cần giám định lại vị trí 2 phương tiện đâm va ban đầu, làm rõ việc tài xế Hoàng có phanh trước khi va chạm, hay va rồi mới phanh.
Thứ 2, việc tài xế Sơn điều khiển ôtô đi lùi trên cao tốc đã vi phạm nghiêm trọng luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra, người này còn chở quá số người quy định, vi phạm nồng độ cồn (0,192 mg/l khí thở).
Bản án phúc thẩm cũng như tài liệu truy tố đều chưa xác định lúc đi ngược chiều, chiếc Innova đã đi lùi với vận tốc bao nhiêu? Đây là một tình tiết thiếu sót cần phải làm rõ.
Thứ 3, cần trưng cầu giám định của các cơ quan có thẩm quyền để xác định xem với trọng tải của xe đầu kéo chở hàng chục tấn thép, đang lưu thông tốc độ khoảng 62 km/h thì cần bao nhiêu mét để xe dừng lại an toàn.
Thứ 4, cơ quan tố tụng chưa thực nghiệm điều tra hiện trường để trưng cầu giám định xem việc Innova chở quá số người quy định (xe 8 chỗ nhưng chở 11 người) có phải là nguyên nhân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người?
Ngoài ra, việc thực nghiệm hiện trường để xác định tầm nhìn của tài xế trong điều kiện thời tiết như hôm xảy ra vụ tai nạn.
Tại tòa, HĐXX cho rằng tài xế xe đầu kéo đã thiếu quan sát, không giữ khoảng cách an toàn. Đó là kết luận thiếu chính xác.
Sáng 19/11/2016, Ngô Văn Sơn lái xe Toyota Innova 8 chỗ chở 10 người chạy trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Do xe vượt quá lối ra khỏi cao tốc tại nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên), Sơn đã cho ô tô đi lùi, sát hàng rào bên phải.
Cùng lúc, tài xế Lê Ngọc Hoàng điều khiển xe đầu kéo kéo theo rơ-moóc đi thuận chiều trên cao tốc, tốc độ 60 - 65 km/giờ. Đến gần nút giao, thấy chiếc xe Innova phía trước, cách khoảng 70m đang bật đèn phanh đỏ, tài xế Hoàng không phanh giảm tốc mà quan sát gương chiếu hậu.
Do phía sau có ôtô khác đang vượt lên, Hoàng không thể chuyển làn rồi tông vào đuôi chiếc xe Innova khiến 4 người tử vong tại chỗ, 2 người bị thương.