Cơ quan điều tra đang mở rộng các hướng điều tra sau khi xuất hiện những tình tiết mới liên quan vụ 6 người thiệt mạng tại khách sạn Grand Hyatt Erawan, thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, Thái Lan quyết không để vụ 6 người Việt tử vong tại một khách sạn ở Bangkok ảnh hưởng xấu tới ngành du lịch nên đã nỗ lực phá án trong chưa tới 24 giờ.
Cụ thể, ngay khi bắt tay điều tra, Chính phủ nước này đã nhấn mạnh ngay tới sự cần thiết phải làm sao để tránh ảnh hưởng tới du lịch, bởi hơn lúc nào hết, xứ sở chùa vàng đang kỳ vọng rất nhiều vào ngành công nghiệp không khói.
16h30 ngày 16/7, nhân viên khách sạn phát hiện 6 thi thể trong phòng 502 của khách sạn Grand Hyatt Erawan ở Bangkok khi đến kiểm tra vì đã quá giờ trả phòng. Nhận được tin báo, cảnh sát đã nhanh chóng tới hiện trường. Chỉ trong vòng chưa đến 24 giờ, Thái Lan đã gần như phá được vụ trọng án.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã đích thân tới hiện trường để chỉ đạo và ra lệnh cho lực lượng chức năng khẩn trương điều tra. Thái Lan cũng đã hợp tác với chính quyền Việt Nam và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) để phá án nhanh, cung cấp thông tin minh bạch, kịp thời về quá trình điều tra.
Vào thời điểm bắt đầu điều tra, Chính phủ Thái Lan cho biết: "Thủ tướng (Srettha Thavisin) đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan khẩn trương hành động để tránh tác động đến du lịch". Rõ ràng ngay từ đầu họ đã lo lắng vụ việc có thể ảnh hưởng tới sự phục hồi của ngành du lịch.
Đến chiều 17/7, cảnh sát Thái Lan xác định được nghi phạm là bà Sherine Chong, người Việt có quốc tịch Mỹ, đã dùng thủ đoạn tẩm >xyanua vào trà để đầu độc 5 người Việt khác, do khoản nợ hơn 278.000 USD. Lực lượng chức năng cũng công bố thông tin chi tiết về 6 người này (4 công dân Việt Nam và 2 người Mỹ gốc Việt), gồm cả thời gian nhập cảnh và số lần đã đến Thái Lan.
Cảnh sát đã khám nghiệm tử thi, thu thập bằng chứng và thẩm vấn hơn 10 nhân chứng, gồm người nhà của những người đã chết, kiểm tra 8 kiện hành lý, phối hợp với các bên liên quan… Cuộc điều tra nhanh chóng đã giúp giải đáp một loạt câu hỏi liên quan tới vụ thảm án mà ban đầu theo báo New York Times (Mỹ) là một "bí ẩn".
Nhờ vậy Thái Lan chứng minh được vụ việc không liên quan đến nước họ, qua đó thành công trong việc ngăn một cuộc khủng hoảng tiềm năng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch.
Trong tuyên bố hôm 17/7, Thủ tướng Srettha Thavisin đánh giá vụ việc trên là "vấn đề cá nhân", không liên quan đến an ninh quốc gia và không gây ảnh hưởng đến ngành du lịch Thái Lan.
Dẫn tin từ VnExpress, văn phòng Thủ tướng Thái Lan ngày 18/7 phát cảnh báo với người dân nước này rằng xyanua nằm trong nhóm "Hóa chất độc hại cấp độ ba", theo đạo luật được ban hành năm 1995.
"Theo điều 23, 73 của đạo luật, bất kỳ cá nhân nào sản xuất, xuất nhập khẩu và sở hữu hóa chất độc hại loại ba mà không có giấy phép sẽ chịu án tù tối đa hai năm hoặc mức phạt 200.000 bath (hơn 5.500 USD), hoặc cả hai", Kenika Ounjit, phó phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Thái Lan, phát biểu tại trụ sở chính phủ ở Bangkok, khi đề cập vụ 6 người thiệt mạng tại khách sạn Grand Hyatt Erawan ở Bangkok.
Cảnh báo được đưa ra sau khi cơ quan pháp y Thái Lan kết luận 6 người, trong đó có 4 công dân Việt Nam và hai người Mỹ gốc Việt, đã bị đầu độc bằng xyanua. Chất này được cho là do nghi phạm người Mỹ gốc Việt Sherine Chong tẩm trong lá trà để hạ độc 5 người và tự sát sau những tranh chấp về tiền bạc trong kinh doanh.
Tướng Noppasin Poolsawat, phó cảnh sát trưởng Bangkok, cho hay giới chức đang tập trung truy tìm nguồn gốc số xyanua mà bà Chong sử dụng. Noppasin nhận định chất độc có thể được mang vào khi nghi phạm nhập cảnh, hoặc được tìm mua ở Thái Lan qua nhiều kênh. Cảnh sát đã mở cuộc điều tra về các vụ giao dịch xyanua gần đây, nhưng thừa nhận điều này rất khó khăn.
Hóa chất này từng gây rúng động tại Thái Lan vào năm 2023 sau khi cảnh sát bắt Sararat "Am" Rangsiwuthaporn, 36 tuổi, sát nhân hàng loạt khét tiếng nhất lịch sử nước này.
Sararat bị buộc tội dùng xyanua trong 15 vụ án giết người để cướp tài sản và trốn nợ, trong giai đoạn 2015-2023, khiến 14 nạn nhân thiệt mạng và chỉ một người sống sót. Phương thức gây án bằng chất kịch độc khiến truyền thông Thái Lan đặt biệt danh cho nữ sát thủ là "Am Xyanua". Cơ quan công tố đã đề nghị mức án tử hình đối với Sararat.
Vụ án Sararat từng khiến dư luận Thái Lan lo ngại về các quy định quản lý xyanua tại nước này, khi nghi phạm tìm mua và sử dụng chất độc để gây án trong một thời gian dài mà không bị phát hiện.
Hóa chất chứa xyanua mà Sararat mua chủ yếu là PanReac, nhập khẩu từ Tây Ban Nha vào Thái Lan. Cảnh sát phát hiện nữ sát thủ mua xyanua trái phép trên mạng, từ một công ty không đăng ký kinh doanh và có nhà xưởng ở quận Lat Krabang tại Bangkok.
Trong quá trình điều tra, giới chức Thái Lan còn phát hiện khoảng 100 người đã mua xyanua từ cơ sở này, trong đó có một số cá nhân làm trong lĩnh vực >giải trí và y tế.
Hồi tháng 2, Cơ quan Ngành nghề Công nghiệp (DIW) thuộc Bộ Công nghiệp Thái Lan, cho biết đang thu thập kiến nghị cập nhật Danh sách Hóa chất Độc hại, chủ yếu để siết chặt kiểm soát hơn nữa mọi giao dịch liên quan đến hợp chất xyanua tại Thái Lan, nhằm bảo vệ tính mạng của người dân và >sức khỏe cộng đồng.