Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân ung thư vú ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Tuy nhiên, do chủ quan, nhiều chị em mắc ung thư vú ở giai đoạn cuối khi còn rất trẻ.
Ung thư vú là bệnh lý u vú ác tính khi các tế bào ác tính hình thành từ trong mô tuyến vú. Các tế bào ung thư sau đó có thể phát triển lan rộng ra toàn bộ vú và di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể. Đây là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới.
Nếu như trước đây, ung thư vú thường xuất hiện ở phụ nữ sau 40 tuổi thì hiện nay tỷ lệ bệnh nhân ung thư vú có xu hướng trẻ hóa, có bệnh nhân mới ngoài 20 tuổi đã mắc căn bệnh này.
Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến chủ đề: "Tầm soát ung thư vú, biết sớm để chữa lành" do Tạp chí >Gia đình Việt Nam phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa Hà Nội tổ chức, Th.s Bác sĩ Phạm Duy Tùng - Bác sĩ Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Hà Nội cho biết, bệnh viện từng tiếp nhận và điều trị cho một nữ bệnh nhân mắc ung thư vú khi mới 23 tuổi.
"Bệnh nhân vào viện tầm soát ung thư vú khi chưa có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, đánh giá qua ảnh chụp X-quang tuyến vú phát hiện bệnh nhân có khối u bất thường thuộc nhóm nguy cơ BIRADS 4C (nghi ngờ tổn thương mức độ cao, nguy cơ ung thư hóa cao từ 50%-95%).
Bệnh nhân lập tức được sinh tiết và phát hiện ung thư vú thể nội ống giai đoạn 2B. Đây là một trong những bệnh nhân mắc ung thư vú trẻ nhất được điều trị tại bệnh viện. Rất may, do bệnh ở giai đoạn đầu nên sau thời gian phẫu thuật và điều trị, >sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục tích cực", bác sĩ Phạm Duy Tùng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tùng, không phải bệnh nhân trẻ nào cũng kịp thời phát hiện bệnh từ sớm. Nhiều trường hợp, bệnh nhân chỉ trong độ tuổi 20 nhưng khi phát hiện bệnh đã bước vào giai đoạn cuối. Do đó, việc tầm soát ung thư vú định kỳ là rất quan trọng dù ở bất kỳ độ tuổi nào.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Ths. BS CKII Đỗ Đức Linh - Khoa chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp - Bệnh viện Đa khoa Hà Nội nhận định, hiện nay tỉ lệ khám sức khỏe định kỳ ở Việt Nam khá thấp, đặc biệt trên nhóm đối tượng trẻ, bởi suy nghĩ trẻ thì ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, ung thư vú ngày càng trẻ hóa, liên quan tới rất nhiều vấn đề, thứ nhất là nội tiết. Việc áp lực công việc, áp lực> xã hội làm cho rối loạn nội tiết, dẫn tới hậu quả là ung thư liên quan tới nội tiết và trẻ hóa ngày càng cao.
"Nếu trước kia tầm soát ung thư vú được khuyến cáo với chị em phụ nữ ngoài 40 tuổi, thì độ tuổi này hiện nay giảm xuống nhất là với những phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ như: có người cùng huyết thống đã phát hiện mắc ung thư vú, có các đột biến gen BRCA1,2,...", bác sĩ Linh chia sẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phượng - bác sĩ sản phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Hà Nội, chị em phụ nữ hoàn toàn có thể tự kiểm tra để sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú khi phát hiện những bất thường trên cơ thể như xuất hiện khối u ở vú, gần xung quanh vú hoặc dưới nách; dịch từ núm vú, đặc biệt dịch có máu; vết lõm da vú hoặc dày da vú; đau nhức vùng vú hoặc núm vú; biểu hiện tụt núm vú... Sau đó, bệnh nhân có thể đến các cơ sở y tế để được khám lâm sàng, siêu âm, chụp X-quang tuyến vú. Đồng thời, các bác sĩ sẽ xét nghiệm tế bào học, mô bệnh học nếu nghi ngờ.
"Ung thư vú là bệnh dễ chẩn đoán, có thể sàng lọc, phát hiện sớm. Nếu phát hiện sớm sẽ điều trị hiệu quả bằng các phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nội tiết, điều trị đích, miễn dịch… Tỉ lệ khỏi của ung thư vú nếu phát hiện sớm có thể đạt hơn 90%. Chính vì vậy, sẽ vô cùng đáng tiếc khi người bệnh chủ quan với chính sức khỏe của mình, để vuột mất thời gian điều trị bệnh hiệu quả", bác sĩ Phượng nói.
Với bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn thì chi phí điều trị sẽ tốn kém hơn rất nhiều, thường phải dùng nhiều phương pháp, thời gian điều trị kéo dài. Trong khi đó hiệu quả điều trị thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn sớm. Khi đó, rất khó có thể chữa khỏi được bệnh mà chỉ giúp cải thiện triệu chứng, kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh. bác sĩ Phượng khuyến cáo thêm.