“Còn tàu của các bác ngư dân ngoài đó, em đã dặn các bác cố tìm giúp, đưa chồng em về, nếu không còn người thì cũng về để chôn cất nơi đất mẹ” - Trích lời vợ của 1 ngư dân mất tích trong vụ chìm tàu,
Theo thông tin từ VnExpress, sau 6 ngày không phát hiện ngư dân mất tích khi hai tàu câu mực chìm ở vùng biển quần đảo Trường Sa, lực lượng cứu nạn kết thúc tìm kiếm quy mô vào ngày 23/10.
Đại tá Trần Tiến Hiền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, cho biết đến sáng 23/10 chưa phát hiện thêm ngư dân mất tích. Bốn tàu của Bộ Quốc phòng đã dừng hoạt động tại khu vực biển được khoanh vùng, kết thúc tìm kiếm.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đã thông báo đến tàu hàng, tàu cá hoạt động gần khu vực, nếu phát hiện ngư dân mất tích sẽ hỗ trợ và thông tin lực lượng chức năng. Ngoài ra, các tàu của cảnh sát biển đi làm nhiệm vụ sẽ kết hợp quan sát để phát hiện.
Trước đó 19h30 ngày 16/10, tàu do ông Lương Văn Viên, 47 tuổi, ở huyện Núi Thành, làm thuyền trưởng cùng 53 ngư dân bị lốc xoáy nhấn chìm khi câu mực cách đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa, khoảng 70 hải lý. Tàu cá gần đó cứu được 40 ngư dân, vớt được 2 thi thể, còn 12 người mất tích.
Đến 1h ngày 17/19, tàu câu mực do ông Trần Công Trường, 42 tuổi, làm thuyền trưởng cùng 38 ngư dân bị sóng đánh chìm khi cách đảo Song Tử Tây 135 hải lý. Tàu cá gần đó cứu được 38 người, còn ông Nguyễn Duy Định, 63 tuổi, mất tích.
Chiều 20/10, tàu 467 Hải quân đưa 78 ngư dân sống sót và hai thi thể cập cảng xã Tam Giang, huyện Núi Thành. Các ngư dân cho biết 13 người mất tích bị mắc kẹt trong tàu và không còn hy vọng trở về.
Dẫn tin từ Tiền Phong, trong ngôi nhà chị Đặng Thị Bình, vợ ngư dân Lương Ngọc Anh (34 tuổi, thuyền viên tàu QNa 90129 TS mất tích) cách đó khoảng vài trăm mét, chị không nén được đau thương khi nghĩ đến cảnh chồng nằm lại dưới đáy biển, ngay cả thoi thể cũng không thể đưa về. “Người không về thì cũng phải thấy xác để chôn cất hương khói chứ sao nằm lạnh lẽo ngoài đó hỡi anh”, chị Bình chia sẻ với nguồn trên.
10 năm từ khi lấy chồng, chị Bình một tay cáng đáng việc trong nhà vì chồng đi biển chẳng mấy khi có mặt. Hai lần vượt cạn anh đều vắng nhà. Dẫu vất vả, nhưng người phụ nữ cũng luôn dặn mình cố gắng, rắn rỏi vì phía sau vẫn còn một điểm tựa tinh thần. Nhưng lần này chị không còn mạnh mẽ được nữa. Khi nghe hung tin về chiếc tàu bị nạn chìm trên biển, chị tất tả chạy đi hỏi thông tin, nhưng hy vọng cứ mong manh dần khiến chị suy sụp. Hai đứa con thơ vẫn chưa mảy may biết gì về việc cha mất tích, lâu lâu vẫn vô tư hỏi rằng ba khi nào về khiến người mẹ trẻ quặn thắt.
Cơ quan chức năng nhận định 13 thi thể khả năng không thể tìm thấy, các tàu cứu hộ cũng đã trở về kết thúc tìm kiếm nhưng chị Bình vẫn chưa thể tin đó là sự thật. Chị dặn các bác ngư dân cố tìm giúp để đưa chồng mình về.
Chung nỗi đau chờ chồng, 3 mẹ con chị Phạm Thị Liên (39 tuổi, vợ ngư dân Nguyễn Ngọc Pháp, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành) ngồi lặng bên chiếc quan tài bên trong đặt hình nặn đất sét. Trên bàn vẫn đặt di ảnh, hoa, câu đối và tiến hành nghi thức của một lễ tang. Đây là cách người dân làng biển vẫn làm khi người thân mất tích để người xấu số được yên nghỉ.
Hàng xóm láng giềng mấy nay vẫn tới lui giúp gia đình tổ chức tang lễ. Ai cũng không khỏi xót xa khi nhìn chị với bụng bầu 7 tháng đang phải chịu tang chồng. Lúc đầu ai cũng giấu vì sợ rằng báo tin đột ngột sẽ ảnh hưởng đến thai phụ. Nhưng tin dữ không thể hoá vui, không có phép màu nào đưa anh Pháp trở về, mọi người đành cho chị hay.
Hai tàu câu mực của ngư dân Quảng Nam là QNa 90129 TS và QNa 90927 TS bị lốc xoáy và sóng lớn đánh chìm trên biển, 93 ngư dân rơi xuống biển. 78 ngư dân may mắn được cứu sống, 2 người tử vong và 13 ngư dân mất tích.
Chiều 20/10, tàu 467 của Quân chủng Hải quân đã đưa 80 ngư dân cập cảng của Chi đội kiểm ngư số 3, tại xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; Trong đó, 78 người được cứu sống, 2 người đã chết, 13 ngư dân mất tích.