Kết quả kiểm nghiệm từ mẫu cá chép ủ chua mà những nạn nhân đã ăn dương tính với vi khuẩn Clostridium botulinum type E.
Ngày 19/3, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo về các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện Phước Sơn.
Theo đó, từ ngày 7/3 đến nay, địa phương này đã xảy ra 2 vụ ngộ độc khi ăn cá chép ủ chua (món ăn truyền thống của người đồng bào Gié Triêng), khiến 1 người tử vong và 9 người có diễn biến nặng (nhiều bệnh nhân đang phải thở máy).
Cụ thể, ngày 16/3, 5 người trong 1 gia đình ở xã Phước Kim (huyện Phước Sơn) tổ chức ăn trưa tại rẫy keo của gia đình anh Hồ Văn Đ (26 tuổi). Bữa trưa của họ gồm cơm, chim nướng và cá chép ủ chua (được chế biến từ cá chép, muối, cơm hoặc bột bắp, ớt sau đó ủ trong hũ kín khoảng 7 ngày).
Đến 19 giờ cùng ngày, 1 người trong nhóm bị đau đầu, buồn nôn, nôn, bụng chướng, choáng, chóng mặt. Sau đó, 3 người còn lại cũng có biểu hiện tương tự. Tất cả được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa miền núi phía Bắc Quảng Nam.
Riêng 1 người trong nhóm này vẫn bình thường do không ăn món cá chép ủ chua.
Trước đó, ngày 7/3, gia đình bà Hồ Thị Nh (55 tuổi, trú xã Phước Đức, huyện Phước Sơn) đã mời một số người thân đến dự bữa cơm tại lễ cúng trâu. Trong mâm cỗ này có món cá chép ủ chua truyền thống do bà Nh làm.
Đến 13 giờ cùng ngày, lần lượt 4 người đều có các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, nôn mửa, tê tay chân, lên cơn khó thở, mắt mờ,... nên được đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Th (SN 1983) đã tử vong. 3 người còn lại là Hồ Văn T (SN 1995), Trương Thị T (SN 1982) và Hồ Thị Đ (SN 1996) chuyển đến Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam để tiếp tục điều trị.
Ngoài ra, trong thời gian này, Bệnh viện đa khoa miền núi phía Bắc Quảng Nam cũng tiếp nhận thêm 1 bệnh nhân 29 tuổi (trú xã Phước Đức, huyện Phước Sơn) tuy không ăn cùng bữa với các trường hợp trên nhưng có dùng món cá chép ủ chua do gia đình tự làm.
Tiến sĩ Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, ngay sau khi xảy ra các vụ ngộ độc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với các đơn vị điều tra nguyên nhân và khảo sát các yếu tố liên quan để tìm nguồn lây; đồng thời lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang và Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm.
Theo kết quả xét nghiệm của viện Pasteur Nha Trang (Khánh Hòa), nguyên nhân khiến nhiều người dân huyện Phước Sơn (Quảng Nam) ngộ độc thực phẩm là do ăn cá chép ủ chua, dương tính với vi khuẩn Clostridium botulinum type E.
Được biết, nhiễm Botulinum là một rối loạn hiếm gặp, có độc lực rất mạnh và nguy hiểm đến tính mạng. Vi khuẩn này có thể sống trong các thực phẩm như đồ hộp đã mở, thịt, sữa, cá hun khói… nhiều tuần ở điều kiện bảo quản lạnh.