Nhiều khu vực tại huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội bị nước lũ “bao vây” từ ngày 24/7 đến nay. Đáng chú ý nhiều ngôi nhà khu vực gần sông Bùi nước ngập tận mái.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, do ảnh hưởng của Bão số 2, tính đến 7h ngày 1/8, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn còn 19 thôn, xóm bị ngập từ 0,5-2m. Trong đó, có 1.252 số hộ ảnh hưởng, 6.050 nhân khẩu ở vùng bị ngập cần được cứu trợ, 3.529 trường hợp cần sơ tán. Trong số các xã bị ngập thì 3 khu vực bị ngập nặng nhất là: xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến và thôn Bùi Xá (thị trấn Xuân Mai).
Thôn Nhân Lý là nơi ngập sâu nhất của xã Nam Phương Tiến vì nằm giáp sông Bùi, nhiều chỗ nước vẫn ngập gần mái nhà. Con đường bê tông chạy dọc thôn còn ngập gần 2m, hầu hết các hộ dân phải đi lại bằng thuyền.
Chiều dài kênh mương bị hư hỏng: 721m; đoạn đê bị ngập: 4.685m; đê hữu Bùi tại vị trí tường kè thôn Đừn, xã Tốt Động xuất hiện hiện tượng rò rỉ qua chân tường kè dài khoảng 200m; chiều dài đoạn đê bị sạt lở: 30m (xã Quảng Bị); đập Vai Vàng bị sạt lở 100m, trạm bơm Lải Cao bị ngập sâu trong nước (xã Tân Tiến); sạt lở vai Đồng Làng dài 30m, rộng 4m (xã Nam Phương Tiến); cầu, cống, đập bị hư hỏng: 103 cái.
Đường giao thông nội đồng bị ngập: 92.450m; đường giao thông nội đồng bị sạt lở: 407m. Đường giao thông nông thôn bị ngập: 28.990m; đường giao thông nông thôn bị sạt lở: 15m.
Gần 10 ngày qua, hàng nghìn người dân sinh sống tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất (Hà Nội) phải sống trong cảnh ngập lụt do ảnh hưởng mưa lớn từ cơn Bão số 2 và rìa Bắc rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao. Ðáng chú ý, sau nhiều ngày không có mưa lớn, mực nước các sông vẫn vượt mức báo động cấp III, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sản xuất của người dân.
Ở thôn Nam Hài (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thảo cho biết, nước lũ sông Bùi đã “bao vây” làng từ ngày 24/7 đến nay. Hầu như hoạt động sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt, làm nghề mộc, xây dựng…) đều phải ngưng trệ. Chị Nguyễn Thị Hằng cho biết thêm, các gia đình ở nhà cấp 4 thì nước ngập vào lưng nhà đã được sơ tán đi nơi khác.
Bà Nguyễn Thị Bảy (xã Tân Tiến, Chương Mỹ) cho biết: “Hàng ngày, bà con bên các xóm ngập bơi thuyền sang, rồi lấy xe máy, xe đạp gửi ở nhà tôi để đi làm”.
Để giúp bà con dễ dàng di chuyển, ông Bùi Ngọc Bình, trưởng thôn Nam Hài đã sáng chế một xuồng tôn có bánh, rồi dùng chính chiếc máy cày của ông để kéo xuồng, ngày ngày đều đặn lội nước, đưa đón bà con di chuyển từ vùng ngập Nam Phương Tiến sang bên xã Tân Tiến để đi chợ, nhận hàng cứu trợ.
Nhiều người cho biết, ngoài một phần hàng cứu trợ của các tổ chức, nhà hảo tâm và chính quyền, hầu hết các gia đình trong vùng ngập luôn có khoản dự phòng để trang trải, nên hầu như không gia đình nào bị đói.
Để ứng phó và khắc phục hậu quả nặng nề do bão số 2 gây ra, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn UBND huyện Chương Mỹ sẽ chủ động hướng dẫn nhân dân có biện pháp đảm bảo an toàn tài sản, máy móc, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Sau khi nước rút, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo khẩn trương đóng điện lại cho các hộ đảm bảo an toàn, hỗ trợ bóng điện, dây điện cho các hộ khó khăn; Tiếp tục cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men phòng, chống dịch tả, đau mắt hột và các bệnh ngoài da cho người dân; phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố cung cấp hàng cứu trợ, đảm bảo> >đời sống của nhân dân kịp thời, đúng đối tượng.
Chỉ đạo đảm bảo an toàn đê điều, các hồ chứa, các công trình thủy lợi; triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều và các công trình thủy lợi để chủ động ứng phó khi xảy ra mưa bão, lũ; thực hiện phương án phục hồi sản xuất trong thời gian sớm nhất.
Tăng cường lực lượng ứng trực đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; tuần tra kiểm soát, không để xảy ra tình trạng trộm cắp tài sản của nhân dân.