Tình trạng mọc lệch răng khôn thường khiến các sinh hoạt hằng ngày của chúng ta bị ảnh hưởng, nhưng nhiều người sợ rằng nhổ răng khôn xong cũng phải chịu những cơn đau không kém. Đừng lo, chúng tôi sẽ chỉ bạn nhổ răng khôn xong nên làm gì để sớm lành vết thương nhất, cùng tìm hiểu ngay thôi.

Khánh Nhi 15:02 28/10/2019

Răng số 8, hay còn gọi là >răng khôn, thường liên kết trực tiếp với các dây thần kinh, nên khi nó mọc lệch thường khiến chúng ta bị đau nhức khó chịu. Dưới đây là những lời khuyên cho câu hỏi mới >nhổ răng khôn xong nên làm gì. Bạn nên tham khảo thông tin hữu ích này trước khi tiến hành tiểu phẫu nhổ răng để có sự chuẩn bị tốt nhất cho bản thân.

1, Nhổ răng khôn sưng mặt bao lâu?

Sau khi nhổ răng khôn, tình trạng tụ máu sẽ khiến mặt và hàm bị sưng trong một thời gian ngắn, khoảng từ 3-5 ngày. Hiện tượng sưng này thường đi kèm với các cơn đau ê ẩm khiến cho bạn vô cùng khó chịu. Tuy nhiên, sau 5 ngày chúng sẽ dần biến mất và khuôn hàm của bạn sẽ trở lại như lúc đầu.

2, Nhổ răng khôn đau mấy ngày

Rất nhiều người thắc mắc về vấn đề đau nhức sau khi nhổ răng khôn và e ngại mình sẽ phải trải qua những cơn đau khủng khiếp. Thực ra tùy theo cơ địa mỗi người mà thời gian đau và mức độ đau sẽ khác nhau. Có người bị đau nghiêm trọng trong suốt 1 tuần, nhưng một số khác lại không hề đau nhức hay ê ẩm. Về trung bình, bạn sẽ phải chịu đau khoảng từ 3-5 ngày.

Ngoài ra, mức độ đau phụ thuộc vào cấu trúc của răng nhổ và tay nghề của nha sĩ. Nếu cấu trúc răng của bạn phức tạp và ảnh hưởng nhiều đến dây thần kinh thì cơn đau sẽ dữ dội và kéo dài hơn. Trong trường hợp xảy ra các biến chứng nguy hiểm thì cơn đau sẽ không thuyên giảm mà trở nên càng dữ dội hơn. Do đó, nếu sau 3-5 ngày nhổ răng mà vẫn thấy đau quá mức thì nên liên lạc ngay với bác sĩ.

Đau nhức sau nhổ răng khôn - Ảnh minh họa: Internet

3, Mới nhổ răng khôn xong nên làm gì?

Nhổ răng khôn là tiểu phẫu khá quan trọng, vì răng khôn có liên quan trực tiếp tới các dây thần kinh nên cần cẩn thận trong suốt quá trình chăm sóc sau nhổ. Để giảm cơn đau và giúp vết thương nhanh liền, có 3 vấn đề quan trọng bạn cần ghi nhớ sau đây.

Việc cần tuân thủ:

Cắn chặt bông gạc

Sau khi nhổ răng khôn xong, bác sĩ sẽ cho bạn cắn một miếng bông gạc vào chỗ chân răng vừa nhổ để cầm máu. Bạn nên cắn chặt miếng gạc này từ 1-2 tiếng để máu đông lại và bịt kín vết thương. Sau đó nếu vẫn còn chảy máu thì thay bỏ miếng gạc cũ và tiếp tục cắn miếng gạc mới. Tuyệt đối không vứt bỏ gạc ngay sau khi nhổ vì sẽ khiến vết thương khó cầm máu.

Ăn đồ ăn nhẹ

Khi mới nhổ răng khôn, bạn nên dùng thức ăn mềm như cháo, sinh tố, súp…để hàm không phải hoạt động nhiều gây ảnh hưởng tới vết thương. Việc nhai quá mạnh hoặc quá nhiều sẽ khiến vết thương khó cầm máu và chậm lành.

Uống nhiều nước

Uống nhiều nước hỗ trợ làm sạch khoang miệng và vùng chân răng mới nhổ, giúp vết thương được sạch sẽ, tránh được các tình trạng viêm, nhiễm của chân răng mới nhổ.

Hạn chế uống nước nóng

Nước nóng khiến vùng vết thương khó hình thành cục máu đông, hoặc làm tan cục máu đông đã xuất hiện trước đó. Vì vậy kéo dài tình trạng chảy máu và thời gian phục hồi của vết thương.

Uống đầy đủ thuốc

Bác sĩ sẽ kê cho bạn một đơn thuốc sau khi nhổ răng gồm thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc cầm máu, thuốc giảm đau,…Bạn nên tuân thủ đúng theo chỉ dẫn để vết thương nhanh lành, giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như viêm nhiễm ổ răng, mưng mủ,…

Uống nhiều nước và uống thuốc theo chỉ dẫn - Ảnh minh họa: Internet

Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh làm việc nặng

Trong thời kỳ vết thương đang lành, không nên làm việc nặng quá sức vì sẽ khiến quá trình hồi phục của cơ thể chậm hơn bình thường. Phải hoạt động quá nhiều sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng không tốt tới miệng vết thương.

Chườm lạnh trong 2 ngày đầu

Thông thường, máu sẽ tiếp tục rỉ ra đôi chút trong 2 ngày đầu sau nhổ, tuy nhiên lượng máu này không nhiều và không chảy liên tục. Việc tiến hành chườm lạnh sẽ giúp cục máu đông được hình thành và chấm dứt tình trạng chảy máu chỗ chân răng mới nhổ. Ngoài ra, chườm lạnh giúp giảm thiểu cảm giác đau đớn sau nhổ răng. Chú ý chỉ chườm lạnh từ 1- 2 lần/ngày và chỉ nên chườm trong 2 ngày đầu.

Chườm nóng sau 2 ngày nhổ răng

Tới ngày thứ 3 sau nhổ răng, máu sẽ không còn chảy ra từ miệng vết thương nữa, thay vào đó việc đông máu và tụ máu sẽ khiến vết thương lẫn vùng hàm xung quanh bị sưng. Để làm giảm tình trạng trên bạn nên chườm nóng giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Chườm nóng từ 1-2 lần/ngày lên vùng má có răng bị nhổ.

Chườm lạnh nên vùng răng mới nhổ - Ảnh minh họa: Internet

Vệ sinh và chải răng đúng cách

Hạn chế chải răng trong 2 ngày đầu sau nhổ răng khôn. Khi mới nhổ chỉ nên súc miệng nhẹ với nước sạch, lưu ý không súc miệng quá mạnh sẽ làm bung cục máu đông và ảnh hưởng tới mũi khâu. Nên ngậm một ngụm nước nhỏ, nghiêng đầu nhẹ từ bên này qua bên kia rồi để nước chảy khỏi miệng qua một bên mép. Như vậy sẽ hạn chế tối đa việc vệ sinh ảnh hưởng tới quá trình lành thương.

Sang ngày thứ 3 khi cục máu đông đã xuất hiện chắc chắn, bạn có thể vệ sinh răng miệng với bàn chải, nhưng lưu ý chỉ chải răng thật nhẹ nhàng, tuyệt đối không tác động lên vùng răng mới nhổ.

Giữ liên lạc với bác sĩ

Có thể sau khi nhổ răng sẽ diễn ra một số biến chứng không mong muốn, vì vậy bạn nên giữ liên lạc với bác sĩ để có thể thông báo kịp thời các dấu hiệu bất thường và giải quyết hiệu quả.

Tới cắt chỉ đúng lịch

Với những vết thương lớn, bác sĩ thường sẽ khâu lại để nó phục hồi nhanh hơn và không để lại sẹo. Họ có thể dùng chỉ tự tiêu hoặc chỉ không tiêu để khâu cho bạn. Với các loại chỉ không tiêu, bạn nhớ đến cắt chỉ theo đúng lịch được hẹn để có một khuôn hàm hoàn thiện nhất.

Tới khám và cắt chỉ sau khi lành thương - Ảnh minh họa: Internet

Việc cần tránh:

Tránh súc miệng bằng nước muối trong 2-3 ngày đầu

Ngược lại với suy nghĩ của nhiều người rằng nước muối sẽ giúp vết thương được sạch sẽ và nhanh lành hơn, nếu dùng nước muối để súc miệng trong 2 ngày đầu sẽ làm tình trạng chảy máu thêm kéo dài. Vì trong nước muốn có chứa chất làm chậm quá trình đông máu, nên khi cục máu đông chưa được hình thành, chắc chắn bạn không nên dùng nước muối súc miệng. Chờ tới 3-4 ngày sau nhổ hãy dùng nước muối để súc miệng nhẹ nhàng.

Tránh mút chíp, khạc nhổ, nhai kẹo cao su

Mút chíp, khạc nhổ hay nhai kẹo cao su sẽ làm tăng áp lực lên chân răng, vô tình khiến vùng răng mới nhổ bị ảnh hưởng và lâu liền hơn. Vậy nên bạn cần hạn chế tối đa hành động này trong suốt thời kỳ đang lành thương.

Khiêng sử dụng một số loại thức ăn, đồ uống

Các bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn không sử dụng vài loại thức ăn đồ uống như: rượu, bia, đồ uống có cồn, thức ăn cay nóng, thức ăn quá cứng và khó nhai,…Kể cả khi răng miệng của bạn lành lặn thì cũng nên hạn chế những loại thực phẩm này để có một khoang miệng và cơ thể khỏe mạnh nhất.

Kiêng sử dụng đồ uống có cồn, hút thuốc - Ảnh minh họa: Internet

Lưu ý khi gặp biến chứng

Vì răng khôn có vị trí vô cùng nhạy cảm, nó kết nối trực tiếp với nhiều dây thần kinh, nên việc xảy ra biến chứng là hoàn toàn có thể gặp phải. Bạn nên liên lạc với bác sĩ và tới các cơ sở nha khoa gần nhất để khám ngay khi gặp những trường hợp sau:

Chảy máu tươi liên tục quá 2 ngày

Tình trạng đau và sưng tiếp diễn hơn 1 tuần sau nhổ

Bị sốt và hôn mê sau nhổ răng

Có hiện tượng mưng mủ tại vùng răng mới nhổ, kèm theo mùi hôi thối trong khoang miệng.

Cơn đau giật lên các dây thần kinh khiến đầu đau nhức quá mức

Cần chú ý khi cơn đau trở nên quá nghiêm trọng - Ảnh minh họa: Internet

Trên đây là tổng hợp các thông tin và lời khuyên cho câu hỏi mới nhổ răng khôn xong nên làm gì. Ngoài chú ý đến những vấn đề này, bạn cũng nên cân nhắc lựa chọn một cơ sở khám xét thật uy tín để đảm bảo có được những chuẩn đoán và hỗ trợ chính xác nhất. Chúc bạn sớm thoát khỏi sự phiền phức của răng khôn và có một khuôn hàm thật khỏe mạnh.

Khánh Nhi | Theo Phụ nữ sức khỏe