Trong các cuộc hôn nhân ở Việt Nam, vợ luôn là người quản lý vấn đề tài chính. Có nhiều người chồng xem việc đó là chuyện khá bình thường nhưng cũng có một số lại cảm thấy vô lý và luôn phản đối vấn đề này. Vậy làm sao để chồng tự giác đưa tiền cho vợ mà vẫn giữ được hạnh phúc gia đình?

Thúy Quỳnh 05:30 24/09/2018

Trang và Long kết hôn đã hơn 5 năm. Long là một người khá khó tính, luôn đặt nặng vấn đề mình là trụ cột trong gia đình. Đã có khoảng thời gian, Long phản đối gay gắt về vấn đề đưa tiền cho vợ quản lý. Vì thế mà vợ chồng tiền ai nấy giữ, ai ăn ai tiêu thế nào mặc kệ, chỉ cần mỗi tháng đóng góp một khoản tiền chung cho gia đình là ổn. 

Câu chuyện của vợ chồng Trang - Long sẽ không có vấn đề gì xảy ra, nếu như Long không phải là một "tay chơi" thứ thiệt. Anh không những tiêu lạm vào phần phải để dành cho gia đình, mà nhiều lần còn phải ngửa tay xin ngược lại vợ. Chính vì vậy, Trang luôn đau đầu nghĩ cách làm sao để chồng tự giác đưa tiền cho vợ mà khiến anh phải tâm phục khẩu phục. Vì Trang cho rằng chỉ có như vậy mới hạn chế được cách ăn xài "vung tay quá trán" của chồng.

Không chỉ mình Trang, nhiều cô vợ khác cũng đau đầu vì vấn đề này vì tài chính trong gia đình cần ổn định thì >đời sống tinh thần mới thoải mái, vui vẻ được. Vậy đâu là cách giúp những cô vợ giải quyết vấn đề này?

Làm sao để chồng tự giác đưa tiền cho vợ? - Ảnh minh họa: Internet

1. Đừng biến hình ảnh của mình thành một người vợ tiêu xài hoang phí

Một trong những điều khiến cho chồng nghi ngại khi đưa tiền cho vợ, đó là liệu số tiền đó có được dùng đúng cách hay không. Nhiều người vợ được giao tay hòm chìa khóa trong nhà nhưng lại không biết cách quản lý tài chính hợp lý. Chính vì thế, bao nhiêu tiền chồng giao đều được chi trả hết cho những thứ không đáng như đồ hiệu, shopping, du lịch... Với những người vợ này, chồng quyết định giữ tiền riêng là chính xác.

Làm sao để ngăn việc chồng xem mình như một người không biết giữ tiền? Thứ nhất, bạn phải biết tiêu dùng thông minh. Có nghĩa là bạn biết món nào nên mua, món nào không nên mua, lúc nào cần rộng rãi và lúc nào cần thắt lưng buộc bụng. Điều này không chỉ giúp ích cho những người có tài chính eo hẹp, mà ngay cả với những gia đình khá giả thì kỹ năng này cũng không phải là thừa. Thứ hai, bạn đừng ngại công khai các khoản chi tiêu với chồng, đặc biệt là các khoản lớn. Vì là người đóng góp, anh ấy có quyền biết chính xác bạn chi tiêu như thế nào, đầu tư ra sao.

2. Đừng quá khe khắt về tài chính với chồng

Nhiều người chồng lo sợ rằng nếu để vợ giữ hết tiền thì mình sẽ sống trong cảnh "bỏ vào thì dễ, rút ra thì khó". Có nhiều người chồng mỗi ngày được phát vài chục ngàn để ăn uống, xài riêng, khi có việc gì như bệnh tật, cưới hỏi, liên hoan... thì đều phải ngửa tay xin vợ. Chính vì tình cảnh "chó chui gầm chạn" này sẽ làm cho các ông chồng ngại ngần. Vì thế nếu muốn biết làm sao để chồng tự giác đưa tiền cho vợ thì cần làm rõ là anh ấy vẫn sẽ cảm thấy tự do vừa đủ về tài chính.

Đừng quá khe khắt về tài chính với chồng - Ảnh minh họa: Internet

3. Chăm chỉ "rỉ tai" chồng

"Rỉ tai" chồng những gì? Hãy nói cho anh ấy biết anh ấy có lợi ích gì nếu đưa tiền cho vợ giữ. Đàn ông đa phần đều không muốn dính dáng quá nhiều đến chuyện tính toán cơm áo gạo tiền trong gia đình. Vì vậy, đưa tiền cho vợ quán xuyến có thể giúp anh ấy cảm thấy thoải mái và đỡ phiền phức hơn. 

Ngay cả với những ông chồng hay tính toán chi li thì với thế mạnh là những lời nói ngọt ngào như rót mật vào tai, các người vợ có thể dần khiến chồng thay đổi. 

Dùng những lời ngọt ngào thuyết phục cũng là chiêu hiệu quả để chồng đưa tiền - Ảnh minh họa: Internet

Làm thế nào để chồng tự nguyện đưa tiền, không cách nào dễ dàng hơn việc giúp chồng hiểu ra việc này sẽ rất tiện và đem lại lợi ích cho tình hình tài chính của hai vợ chồng. Tiền bạc là vấn đề tế nhị, nhưng có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, vì thế, hãy khéo léo cùng nhau giải quyết vấn đề này.

 

Thúy Quỳnh | Theo Phụ nữ sức khỏe