Nhìn hành động của con trai chỉ mới 7 tuổi, cả vợ chồng tôi đều chết lặng.
Vợ chồng tôi thường hay mâu thuẫn, cãi vã nhau. Chúng tôi luôn nghĩ rằng con trai mới 7 tuổi, còn nhỏ nên chưa hiểu chuyện người lớn và thường cãi nhau trước mặt cháu. Mỗi lần thấy bố mẹ mâu thuẫn, dùng những lời lẽ to tiếng để nói với nhau, con đều co rúm trên ghế sô pha vì sợ hãi. Thấy cảnh ấy, tôi cũng thương lắm nhưng khi nóng giận lên thì không thể kiềm chế được bản thân mình.
Hôm qua, khi dọn cơm ăn, chồng tôi lại chê bai món ăn mà tôi vất vả nấu ra. Bực bội vì công sức của mình bỏ ra lại bị chồng xúc xiểm, tôi giận dữ đập bàn đứng dậy. Rồi chúng tôi lại cãi nhau.
Khi hai vợ chồng đang to tiếng thì bỗng nghe tiếng loảng xoảng vang lên dữ dội từ trong nhà bếp. Chúng tôi vội vã chạy xuống thì chết sững khi thấy con trai đang giận dữ hất tung thức ăn lẫn chén bát trên bàn ăn. Vẻ mặt lúc đó của cháu rất đáng sợ, chẳng khác gì vẻ mặt của chúng tôi khi đang mâu thuẫn với nhau.
Sau khi bị tôi dạy dỗ, cháu cũng nhận lỗi rồi đi ngủ. Nhưng vẻ mặt và hành động của con khiến tôi bị ám ảnh Hướng Dương ạ. Tôi phải làm sao đây? Cứ thế này, con tôi sẽ hư hỏng mất thôi. (khanhnhung...@gmail.com)
Hướng Dương tư vấn
Chào bạn,
Hành động và vẻ mặt của con bạn bây giờ chính là tấm gương phản chiếu hành động và vẻ mặt của cha mẹ khi giận dữ. Có thể nói cháu đang lặp lại nguyên những gì mà vợ chồng bạn đã thể hiện mỗi khi cãi nhau. Điều này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ và phát triển, rèn luyện hạnh kiểm, học tập của cháu. Không những thế, mỗi khi chứng kiến cha mẹ cãi nhau, trẻ sẽ bị chấn thương tâm lí và những vết chấn thương ấy sẽ kéo dài theo quá trình trẻ trưởng thành. Nếu như không có sự điều chỉnh kịp thời, trẻ sẽ có những nhận thức lệch lạc về hôn nhân và gia đình, về hạnh phúc và bình yên. Vì thế, muốn con thay đổi, vợ chồng bạn phải là những người thay đổi đầu tiên.
Vợ chồng bạn không nên cãi nhau trước mặt con nữa. Muốn tranh luận một điều gì đó, vợ chồng bạn nên chọn thời điểm thích hợp, khi con đã ngủ say hoặc không có trong nhà. Khi tranh luận cũng cần lựa chọn lời nói phù hợp, giữ thái độ bình tĩnh, nhẹ nhàng nhất có thể. Và nếu cảm thấy không khí quá căng thẳng, có thể bùng nổ thành một trận cãi vã lớn thì tốt nhất một trong hai người nên tránh mặt đi nơi khác. Hãy để khi đã đủ bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo mọi chuyện rồi vợ chồng bạn hãy tiếp tục trao đổi, thảo luận với nhau.
Quan trọng nhất, vợ chồng bạn phải giữ chuẩn mực trong từng lời nói, hành động để có thể giáo dục con một cách tốt nhất. Mong rằng bạn sẽ sớm học tập cách kiềm chế cảm xúc, đừng để cảm xúc làm chủ bản thân và cuộc sống của mình. Thân gửi.