Bản chất cấy tóc là một phương pháp có đụng chạm đến “dao kéo”, vì vậy không ít người sẽ cảm thấy lo lắng rằng cấy tóc cũng sẽ tồn tại những nguy hiểm và biến chứng không tốt cho sức khỏe.
Nhiều người đã phải vắt óc tìm ra cách chữa trị dân gian để “cứu vớt” mái tóc, chẳng hạn như thường xuyên ăn hạt vừng đen, ngâm đậu đen trong giấm, xoa da đầu bằng gừng, gội đầu bằng bia,… Tuy nhiên, những ai đã trực tiếp trải nghiệm sẽ thấy rằng nó chẳng có tác dụng gì cả.
Bất lực, một số người tìm đến phương pháp cấy tóc với hy vọng đạt được kết quả tốt nhất nhưng liệu cấy tóc có hiệu quả không?
Trong những năm gần đây, công nghệ cấy tóc đã trở nên rất phổ biến. Nguyên lý của nó là lấy ra những mô nang tóc khỏe mạnh và nuôi dưỡng thành các đơn vị nang tóc, rồi cấy vào vùng cần tóc, để vùng đó phát triển tự nhiên.
Nhưng đồng thời, không phải ai cũng phù hợp với việc cấy tóc mà còn phụ thuộc vào việc đầu có đủ nang tóc khỏe mạnh cho vùng rụng tóc hay không.
Ảnh minh họa.
Nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng, chứng rụng tóc ở nam giới có liên quan tới sự tồn tại của hormone giới tính nam, có tên gọi là androgen. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vẫn chưa thể xác định.
Hói đầu có thể do di truyền. Bên cạnh yếu tố nội tiết, di truyền còn có một số nguyên nhân khác gây bệnh hói đầu, gồm: stress, sử dụng một số thuốc, một số tình trạng bệnh lý...
Cấy tóc có an toàn không?
Cấy tóc cũng được xem là một trong các phương pháp điều trị hói đầu, bên cạnh các phương pháp điều trị khác như thuốc uống, thuốc thoa, các liệu trình thẩm mỹ.
Việc đáp ứng điều trị còn tùy thuộc vào tình trạng cơ địa, mức độ nặng, phương pháp điều trị và nhiều yếu tố khác. Bởi thực tế có nhiều trường hợp đáp ứng nhưng có những trường hợp không đáp ứng sau khi cấy tóc.
Bác sĩ Mayank Singh, thư ký Hiệp hội Bác sĩ Phẫu thuật Ấn Độ, thực hiện tới 15 ca phẫu thuật mỗi tháng tại phòng khám cao cấp của ông tại New Delhi. Hầu hết bệnh nhân từ 25 đến 35 tuổi, đang muốn kết hôn hoặc thăng tiến trong sự nghiệp. Thủ thuật tốn khoảng 350.000 rupee (4.300 đô la), khoản tiền đáng kể ở một quốc gia nơi hàng triệu người sống ở mức dưới một USD một ngày.
Tuy nhiên, khâu quản lý trong lĩnh vực này còn yếu kém. Thủ thuật cấy tóc đôi khi do những người nghiệp dư tự học việc qua Youtube thực hiện, có thể gây ra hậu quả chết người. Các phòng khám do nhân viên chưa được đào tạo quản lý mọc lên như nấm.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Singh cho biết nhiều lang băm mang tiếng xấu cho toàn ngành, khiến nhiều người hiểu sai về thủ thuật này.
"Mọi người có quan niệm sai lầm rằng đây là một thủ thuật nhỏ, trong khi thời gian thực hiện khá dài, lên đến khoảng 6-8 giờ. Người bệnh cần dùng rất nhiều thuốc gây tê cục bộ, phải thực hiện theo thời gian. Nếu không có kiến thức, đây có thể trở thành một quy trình không an toàn", ông nói.
Nếu không tuân thủ quy trình, người cấy tóc có thể bị chảy máu, nhiễm trùng hoặc phản ứng dị ứng với thuốc mê. Nhiễm trùng có thể xảy ra khi vi khuẩn tại vị trí nang lông của người cấy tóc. Các triệu chứng nhiễm trùng bao gồm áp xe chảy mủ, bầm đỏ, sưng tấy da đầu. Người bệnh có cảm giác đau đớn, ngứa ngáy, nóng rát. Biến chứng sau cấy tóc là sốc phản vệ, sốc vasovagal, tương tác thuốc, chảy máu không kiểm soát, co thắt phế quản hoặc biến cố tim.
Dù vậy, khi do các bác sĩ lành nghề thực hiện, cấy tóc vẫn là một thủ thuật khá an toàn. Theo nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ, tỷ lệ biến chứng sau phẫu thuật từ năm 2009 đến năm 2020 không cao, không đe dọa đến tính mạng.