Thông tin này vừa được WHO cảnh báo, đây là trường hợp tử vong đầu tiên ở người do chủng cúm gia cầm này.
Theo WHO, người phụ nữ trên 56 tuổi, ở tỉnh Quảng Đông, Đông Nam Trung Quốc, đã bị ốm từ ngày 22/2, nhập viện ngày 3/3 do viêm phổi nặng và tử vong vào ngày 16/3.
Bệnh nhân có nhiều bệnh nền, có tiền sử tiếp xúc với gia cầm sống trước khi khởi phát bệnh và khu vực bệnh nhân sinh sống xuất hiện chim hoang dã.
Hiện chưa phát hiện trường hợp nào tiếp xúc gần với ca bệnh bị lây nhiễm hoặc có triệu chứng tại thời điểm báo cáo.
WHO cho biết, mặc dù tiếp xúc tại chợ gia cầm sống có thể gây lây nhiễm, nhưng hiện vẫn chưa rõ chính xác nguồn lây và virus này có liên quan như thế nào với các virus >cúm gia cầm A (>H3N8) khác đang lưu hành ở động vật, đồng thời kêu gọi điều tra thêm ở người và động vật.
H3N8 lưu hành từ năm 2002, xuất hiện lần đầu ở các loài chim tại Bắc Mỹ. Virus có thể lây nhiễm cho ngựa, chó và hải cẩu, nhưng khó lây truyền từ người sang người. WHO nhận định nguy cơ lây lan trong cộng đồng cấp quốc gia, khu vực và quốc tế được coi là thấp.
Tuy nhiên, do bản chất không ngừng phát triển của virus cúm, WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát toàn cầu. Mục tiêu là phát hiện những thay đổi về dịch tễ học và lâm sàng, ảnh hưởng của virus đến >sức khỏe con người hoặc động vật.
Thông tin từ VnExpress, theo tiến sĩ Pablo Plaza, chuyên gia về dịch tễ học và sức khỏe cộng đồng thú y tại Đại học Quốc gia Comahue ở Argentina, virus bắt đầu lây truyền giữa các loài động vật có vú đồng nghĩa với việc nó đã tiến hóa, làm tăng nguy cơ lưu hành ở người.
Các ca cúm gia cầm ở người thường do tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với gia cầm sống hoặc đã chế biến nhiễm bệnh. Dấu hiệu sau khi mắc H3N8 là ho, hắt hơi, chảy nước mũi, sốt, khó thở.