Một tháng sau khi bị chó dại cắn, bé trai 7 tuổi tím tái, kích thích, sùi bọt mép, được chẩn đoán bệnh dại, tử vong.
Thông tin từ Khoa Nhi – Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận nam bệnh nhi 7 tuổi, trú tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang nhập viện trong tình trạng mệt, nôn ra máu tươi, da kém hồng, tím tái, trẻ kích thích vật vã, mắt mở to, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, nằm co, sùi bọt mép… Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi bệnh dại.
Gia đình bệnh nhi cho biết, trước khi nhập viện khoảng 1 tháng, bệnh nhi bị chó cắn. Sau cắn chủ, chó đã chết, trẻ không được tiêm phòng bệnh dại.
Đến chiều cùng ngày nhập viện, bệnh nhân diễn biến nặng, tiên lượng tử vong cao, người nhà bệnh nhân được các bác sỹ khoa Nhi tư vấn, giải thích về tình trạng bệnh, gia đình xin cho trẻ về và trẻ tử vong tại nhà.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo các phụ huynh cần lưu ý hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chó mèo nuôi hoặc chó mèo lạ. Gia đình có trẻ con không nên nuôi giống chó to và dữ, nếu nuôi chó, mèo bắt buộc phải tiêm phòng cho con vật đầy đủ. Ngoài ra, con vật phải được thuần dưỡng, xích, ra đường phải rọ mõm...
Khi trẻ bị chó, mèo cắn, đối với vết thương nhỏ cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Đối với vết thương lớn và phức tạp, gia đình cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời, tránh biến chứng xảy ra.
Hiện tại, không có thuốc chữa bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người 100% đều dẫn đến tử vong. Hiệu quả nhất là phòng ngừa thông qua tiêm phòng >bệnh dại cho chó mèo hàng năm và tiêm vaccine phòng bệnh dại cho người ngay sau khi bị chó, mèo cắn (hoặc cào có vết thương chảy máu), càng sớm càng tốt.
Lưu ý, tuyệt đối không tự ý sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc bôi, đắp vào vết thương, không tự chữa ở nhà cho trẻ.
Bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong.