Tại Việt Nam, tính đến nay đã ghi nhận 4 ca bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 2 ca mới được phát hiện trong tháng 9/2023.
Theo thông tin từ Người Lao Động, Việt Nam đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hai bệnh nhân phát hiện vào tháng 10/2022, đã xuất viện sau 3 tuần điều trị, theo dõi. Hai bệnh nhân mới nhất được phát hiện voà tháng 9/2023 ở Đồng Nai và Bình Dương. Để phòng bệnh, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời, đồng thời cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh >đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống). Khi quay trở về Việt Nam chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
Dẫn tin từ Sức khoẻ Đời sống, theo Tổ chức Y tế Thế giới, virus gây> bệnh đậu mùa khỉ không được coi là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, bất kỳ ai tiếp xúc gần với người có virus đều được coi là có nguy cơ lây nhiễm cao.
Để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo những người đàn ông có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ nên cân nhắc việc giảm bớt bạn tình trong thời điểm hiện tại. Bất cứ ai bị phát ban hoặc tổn thương da mới và bất thường nên tránh quan hệ tình dục cho đến khi họ đã được kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) và bệnh đậu mùa khỉ.
Bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể lây lan theo những cách không liên quan đến tình dục và việc sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp điển hình khác để ngăn chặn STD là chưa đủ. Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa đối với nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao. Vaccine phòng bệnh đậu mùa có khả năng phòng bệnh đậu mùa khỉ lên đến 85% và làm giảm mức độ nặng của bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ (Monkeypox virus) gây ra. Đây là một bệnh nhiễm trùng do virus gây ra, có nghĩa là nó có thể lây từ động vật sang người và cũng có thể lây từ người sang người.
Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận trên người vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Bệnh có triệu chứng gần giống bệnh đậu mùa ở người, nhưng mức độ lây lan chậm hơn và mức độ bệnh cũng nhẹ hơn.
Sau khi xâm nhập cơ thể, thời gian ủ bệnh của virus đậu mùa khỉ có thể từ 6-13 ngày hoặc lâu hơn, có thể lên tới 21 ngày. Sau đó, các triệu chứng giống bệnh đậu mùa sẽ xuất hiện, bao gồm nhiều dấu hiệu như: sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau lưng, đau cơ, kiệt sức và các tổn thương lan rộng trên da, nổi mủ và vỡ ra. Các nốt ban mủ có xu hướng tập trung ở vùng mặt và các đầu chi hơn là ở vùng thân. Số lượng ban có thể từ một vài ban cho đến hàng nghìn ban.
Ban mọc chủ yếu ở mặt (95%), lòng bàn tay và lòng bàn chân (75%), ngoài ra cũng hay gặp niêm mạc miệng (70%), niêm mạc sinh dục (30%) và kết mạc - giác mạc (20%). Trong trường hợp nặng, các tổn thương có thể liên kết với nhau thành mảng lớn và bong vảy. Sau khoảng 1 tuần, các mụn nước khô đi và bong vảy không để lại di chứng sẹo nếu không bị nhiễm trùng.