Trong công văn gửi các địa phương, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyên hạn chế sử dụng thiết bị đóng túi hút chân không tạo điều kiện môi trường yếm khí thuận lợi cho clostridium botulinum phát triển.
Thông tin từ Báo Công Thương, tại văn bản mới nhất, Cục An toàn thực phẩm đã đề nghị Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Chợ Rẫy theo dõi sát diễn biến tình trạng bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.
Tổ chức điều tra, xác minh nguồn gốc thực phẩm, nguyên nhân gây ra ngộ độc để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, không để trường hợp ngộ độc tương tự xảy ra.
Đồng thời, thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, ngăn chặn kịp thời cơ sở kinh doanh, sản xuất giò chả không đảm bảo an toàn có nguy cơ phát sinh lây nhiễm botulinum. Đình chỉ ngay hoạt động của cơ sở gây ra ngộ độc, cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm.
Bộ Y tế cũng cho biết cần thông tin người dân không sử dụng giò chả không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường; tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ kinh doanh biện pháp vệ sinh, bao gói sản phẩm, hạn chế sử dụng thiết bị đóng túi hút chân không tạo điều kiện môi trường yếm khí thuận lợi cho clostridium botulinum phát triển.
Theo thông tin từ Báo Tuổi Trẻ, ngày 20-5 Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân Gia Định đang phối hợp điều trị cho ba trường hợp mới bị >ngộ độc botulinum. Cả ba bệnh nhân này đều cư ngụ tại TP Thủ Đức, thuộc hai gia đình khác nhau.
Cụ thể, ngày 13-5 cả ba người bao gồm hai anh em ruột (18 tuổi và 26 tuổi) có ăn bánh mì kẹp chả lụa của người bán dạo, người còn lại là nam 45 tuổi có ăn một loại mắm để lâu ngày.
Sau khi ăn xong, đến ngày 14-5 cả ba bệnh nhân đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, tiêu chảy… Sau đó tiến triển nặng hơn dẫn đến yếu cơ, khó nuốt, nhìn đôi...
Bệnh nhân 18 tuổi có diễn tiến sớm nhất và được người nhà đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Đến chiều 15-5, bệnh nhân 45 tuổi được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Bệnh nhân còn lại 26 tuổi bị nhẹ hơn nên đã tự đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Với thông tin từ gia đình và các triệu chứng có được, các bác sĩ đã hội chẩn và thống nhất bệnh nhân bị ngộ độc botulinum.
Theo thông tin từ Báo Dân Trí về các ca ngộ độc botulinum gần đây, việc lấy mẫu chả lụa để xét nghiệm độc tố botulinum đều cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, nó cũng chỉ mang ý nghĩa tương đối. Với kết quả âm tính cũng không loại trừ chả lụa có liên quan, mà nếu dương tính cũng không khẳng định do chả lụa.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM thông tin trên Báo Dân Trí cho hay, >vụ ngộ độc này không phải ngộ độc tập thể từ các bếp ăn cho nhiều người. Nếu là ngộ độc tập thể sẽ có quy trình lưu mẫu để xét nghiệm, và những trường hợp này thường ngộ độc với vi khuẩn E.coli hay Safilo gây rối loạn tiêu hóa, chứ không độc như botulinum gây liệt như các trường hợp ở TP Thủ Đức. vụ ngộ độc ở TP Thủ Đức có điểm chung là các nạn nhân đều ăn chả lụa. Với trường hợp 3 trẻ em ở Thủ Đức, chả lụa đã ăn hết nên chỉ có thể đem mẫu bánh mì đi thử. Các trường hợp còn lại đã lấy được mẫu chả lụa của người đi bán dạo và cả chả lụa sản xuất ở cơ sở, nhưng đều cho kết quả âm tính.
"Truy nguồn gốc chúng ta cũng chỉ truy được đến đó thôi, còn với kết quả âm tính cũng không thể loại trừ chả lụa có liên quan, mà nếu dương tính cũng không dám trăm phần trăm khẳng định tại chả lụa", theo quan điểm của bà Lan.Theo lời bà Lan, lúc đó các nạn nhân cũng miêu tả chả lụa bị chảy nước, thậm chí cảm thấy có mùi ôi thiu nhưng vẫn ăn.
"Có thể trong quá trình đó các nạn nhân đã tiếp xúc với nguồn gây ngộ độc, vì botulinum hiện diện ngay trong môi trường sống hàng ngày", bà Lan phân tích trên Báo Dân Trí.
Từ vụ việc này, bà Lan khuyến cáo người dân tăng cường ăn chín uống sôi, mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng, tránh mua về gói kín rồi để lâu hàng tuần vì việc đó tạo nguy cơ sản sinh ra vi khuẩn.