Sở Y tế TP.HCM thông báo xem xét kích hoạt trở lại “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” cần được đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Theo Tuổi Trẻ, vào sáng 18-4, Sở Y tế TP.HCM thông báo xem xét kích hoạt trở lại “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” cần được đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Lý do là số ca mắc COVID-19 có dấu hiệu tăng nhẹ nhưng hầu hết tập trung ở người cao tuổi, cùng với sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5 và thực trạng miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 đang bắt đầu có xu hướng giảm (từ 98,7% vào tháng 9-2022 nay giảm xuống còn 96,7%).
Trước đây, khi >dịch bệnh COVID-19 còn ở giai đoạn bùng phát, ngành y tế TP.HCM đã triển khai “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”, giảm rõ rệt số trường hợp tử vong.
Qua phân tích các trường hợp tử vong do COVID-19 cho thấy phần lớn tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng vi rút trước đó. Sở Y tế TP.HCM nhận thấy việc ngăn ngừa những người thuộc nhóm nguy cơ bị nhiễm COVID-19, phát hiện sớm để kịp thời điều trị đặc hiệu với thuốc kháng vi rút và theo dõi >sức khỏe nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong là vấn đề cốt lõi và cấp thiết trong thời điểm lúc bấy giờ.
Theo Báo Công an trước đó, ngày 12-4-2023 Bộ YT có Văn bản khẩn 2116/BYT-DP về tăng cường PC dịch Covid-19. Theo ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch Covid-19 trong nước có xu hướng tăng từ đầu tháng 4 đến nay. Trong 7 ngày vừa qua (từ 05 đến 11-4-2023), cả nước ghi nhận 639 ca mắc mới, trung bình 90 ca mắc mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó; trong số này, nhóm 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới). Trường hợp nhập viện cũng có xu hướng tăng, số BN nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca, trung bình 1-2 ca mỗi ngày. Tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.
Cũng theo Bộ YT, hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn đánh giá dịch Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng vi-rút, những biến thể mới trong tương lai. Mặc dù trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ nhập viện, chuyển nặng và tử vong đã giảm đáng kể so với trước đây, tuy nhiên một số nhóm vẫn có nguy cơ cao chuyển nặng hoặc tử vong, bao gồm nhóm người cao tuổi mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, do đó cần tập trung ưu tiên bảo vệ các nhóm đối tượng này. Một số dịch bệnh truyền nhiễm khác như tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, cúm... cũng có nguy cơ gia tăng số ca mắc dẫn đến gây nguy cơ "dịch chồng dịch".