Bệnh đau mắt đỏ thường lành tính và ít dẫn đến biến chứng. Nhưng trong một số trường hợp, viêm kết mạc có thể dẫn đến viêm loét giác mạc, gây tổn thương giác mạc vĩnh viễn dẫn đến giảm thị lực.

Tuệ Anh (TH) 09:13 17/09/2023

Theo thông tin từ Dân Trí, trong vài ngày qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) tiếp đón khoảng 200 lượt trẻ/ngày đến khám vì đau mắt đỏ, tăng gấp 10 lần lượt khám so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây cũng là vấn đề mà các bậc phụ huynh đang quan tâm và lo ngại cho con mình, trước tình hình bệnh lý >đau mắt đỏ tăng lên và lây nhanh trong trường học, gia đình.

Đại diện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là tình trạng viêm cấp tính của lớp kết mạc nhãn cầu và kết mạc mi mắt. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện vào mùa hè và mùa thu.

Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn, virus hoặc dị ứng. Trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất là do Enterovirus.

Các dấu hiệu của bệnh bao gồm: Mắt đỏ, đổ ghèn nhiều, chảy nước mắt, sưng nề mi mắt, có cảm giác cộm xốn, đau mắt hoặc ngứa mắt, có thể kèm theo triệu chứng toàn thân như nổi hạch, sốt.

Thời gian kéo dài của bệnh có thể từ 7-14 ngày, tùy tình trạng bệnh và đáp ứng điều trị.

Ảnh minh họa: Internet

Các bác sĩ chia sẻ, bệnh đau mắt đỏ thường lành tính và ít dẫn đến biến chứng. Nhưng trong một số trường hợp, viêm kết mạc có thể dẫn đến viêm loét giác mạc, gây tổn thương giác mạc vĩnh viễn dẫn đến giảm thị lực.

Dẫn tin từ VTC News, BS.CKII Trần Hiếu, Trưởng khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM), cho biết, triệu chứng thường gặp gồm mắt đỏ do xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt như có dị vật trong mắt, kích thích chảy nước mắt, xuất tiết (có thể rỉ trắng, dịch tiết dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể gỉ xanh - vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn).

Bên cạnh đó, trẻ có thể kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt nhẹ... Đặc biệt, trẻ có thể xuất hiện giả mạc là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc dễ bong tróc khi dụi và gây chảy máu.

Ảnh minh họa: Internet

Theo BS Hiếu, khi nghi ngờ bệnh đau mắt đỏ, cần rửa mắt 2-3 lần/ ngày bằng nước muối 0.9%; tránh khói bụi, đeo kính khi ra khỏi nhà; vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc mắt; không nên ôm ấp khi trẻ em bị bệnh, cần ngủ riêng. Trẻ em bị bệnh nên nghỉ học, không đi bơi hay tham gia hoạt động tập thể để tránh lây nhiễm.

Người bệnh cần được nghỉ ngơi, dùng thuốc theo đơn. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt; không đắp các loại lá hoặc chất kích thích vào mắt; không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác; không sử dụng kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc; đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi...

Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh. Cần sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt. Sau đó, bỏ rác vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh,

"Hạn chế tiếp xúc nơi đông người, khi có dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ, cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Đặc biệt khi trẻ có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều gỉ ghèn cần cho đến các cơ sở khám mắt để được điều trị và xử lý biến chứng (nếu có)", BS Hiếu lưu ý.

 

Tuệ Anh (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe