Chị bị phù chân hai bên, phù mặt và diễn tiến ngày càng tăng dần, đến tuần thứ 30, phù toàn thân diễn tiến nặng, huyết áp khó kiểm soát.

Hương Hương (t/h) 14:59 14/11/2023

Theo Báo Người Đưa Tin, bệnh nhân là chị L.T.K.A, 26 tuổi, ngụ tỉnh Vũng Tàu mang thai con lần thứ 2. Bắt đầu từ tháng thứ 3 thai kỳ, chị K.A bị phù chân hai bên, phù mặt và diễn tiến ngày càng tăng dần, đến tuần thứ 30, phù toàn thân diễn tiến nặng, huyết áp khó kiểm soát.

Ngày 30/10, >sản phụ nhập bệnh viện tại địa phương với chẩn đoán sản giật tổn thương đa cơ quan (tổn thương gan cấp, tổn thương thận cấp), chuyển dạ sanh non ở thai kỳ 31 tuần 4 ngày.

Chị L.T.K.A được các bác sĩ chẩn đoán sản giật, tổn thương đa cơ quan (suy thận, suy gan cấp, suy hô hấp nặng). Khi được đặt nội khí quản, thở máy, bệnh nhân tiếp tục diễn tiến nguy kịch, 2 lần >ngưng tim đe dọa tính mạng.

Sản phụ được bác sĩ thăm khám cấp cứu kịp thời. Ảnh: VnExpress

Nhận thấy tình trạng người bệnh nguy kịch vượt quá khả năng điều trị tại địa phương, chị K.A được chuyển viện khẩn đến Bệnh viện Từ Dũ Tp.HCM lúc 2h30 sáng 1/11 và mổ lấy thai >cấp cứu trong vòng 1 giờ sau nhập viện.

Sản phụ sanh được bé trai, cân nặng 1,600g, bé khỏe. Sau mổ lấy thai, sản phụ diễn tiến suy hô hấp nặng, suy thận cấp tiến triển nhanh, tổn thương gan cấp tiến triển và phù toàn thân tăng nhanh.

Cũng theo Báo VnExpress, dù được hỗ trợ hô hấp tối đa, bệnh nhân ngưng tim hai lần. Các bác sĩ hội chẩn trong đêm, quyết định can thiệp VV ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể chỉ định trong trường hợp suy hô hấp nặng) kết hợp lọc máu liên tục.

Sau can thiệp 8 ngày, chức năng gan và thận bệnh nhân cải thiện, tổn thương phổi phục hồi ngoạn mục. Sản phụ vừa được rút nội khí quản, tự thở khí trời, sau đó ngưng VV ECMO.

Khi vào viện, bệnh nhân đặt nội khí quản và thở máy xâm lấn, song tổn thương phổi tiến triển nhanh, đông đặc cả hai phổi. Ảnh: Người Đưa Tin

TS.BS Bùi Chí Thương, Trưởng khối Sản chia sẻ trên VnExpress, cho biết sản giật là biến chứng nặng của sản khoa, có thể gây xuất huyết não, suy hô hấp, suy đa tạng và tử vong nếu không xử trí kịp thời và phối hợp đa chuyên khoa phù hợp. Khi sản giật xảy ra, bác sĩ sản khoa sẽ điều trị bằng cách chấm dứt thai kỳ nhưng hậu quả của sản giật trên các cơ quan cần sự phối hợp của các chuyên khoa hồi sức nội, trong đó vai trò lọc máu và ECMO là yếu tố sống còn.

Sản giật thường đi sau tiền sản giật, được đặc trưng bởi huyết áp cao xảy ra trong thai kỳ và hiếm khi xảy ra sau khi sinh. Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến sản giật gồm tăng huyết áp thai kỳ hoặc mạn tính, bệnh đái tháo đường hoặc một tình trạng khác ảnh hưởng đến mạch máu, bệnh thận...

Các bác sĩ có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường qua thăm khám và các kết quả xét nghiệm trong thai kỳ có bất thường, chẳng hạn chỉ số protein trong nước tiểu. Vì vậy, để phòng ngừa sản giật cũng như các biểu hiện bất thường khác, cần khám thai định kỳ và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

 

 

Hương Hương (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe