Khi được phát hiện,bé gái 21 tháng tuổi đã trong tình trạng nguy kịch, tím tái. Lúc phát hiện, bé đã chúi đầu vào xô nước.
Cụ thể, theo thông tin từ Báo VietNamNet, bé gái T.N.T.A 21 tháng tuổi (quận 6, TP.HCM) là trường hợp nhỏ tuổi nhất nhập viện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) trong số 4 trẻ bị >ngạt nước vừa qua. Trước khi nhập viện 1 giờ, trẻ được phát hiện ngã chúi đầu vào xô nước. Chiếc xô cao 50cm, chứa đầy nước. Thời gian bé A. chìm khoảng 5 phút. Bé bất tỉnh, tím tái.
Người nhà ngay lập tức thổi ngạt, ấn tim trong 3 phút. Bé khóc và cử động tay chân nhẹ, được chuyển vào phòng khám địa phương, xử trí thở oxy rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP.
Tại đây, trẻ hôn mê, thang đo hôn mê Glasgow 9 điểm (bình thường 15 điểm), môi tái, SpO2 85%. Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản giúp thở, thở máy, kháng sinh, chống phù não, thuốc an thần, điều chỉnh điện giải, kiềm toan cho trẻ. Sau hơn một tuần điều trị, tri giác của bé gái cải thiện dần, tỉnh và tiếp xúc được.
Trường hợp thứ hai là bé trai N.D.Đ (4 tuổi, Tiền Giang). Cách nhập viện 3 giờ, em đi bơi. Trong khoảng 5-7 phút, người nhà không thấy bé nên vội chia nhau tìm, phát hiện trẻ chìm ở hồ trẻ lớn.
Bé được ấn tim thổi ngạt, chuyển vào viện trong tình trạng ngưng thở ngưng tim. Sau khi đặt nội khí quản, tiêm adrenalin, bé được chuyển tiếp lên TP.HCM.
Gần 2 tuần điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP, tri giác trẻ cải thiện dần, tiếp xúc chậm. Bệnh nhi phải tiếp tục điều trị oxy cao áp, tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.
Tương tự, bé N.L.A. (8 tuổi, TP HCM) cũng gặp nạn ở hồ bơi trẻ lớn trong khoảng 3 phút. Trẻ hốt hoảng, tím tái, được sơ cứu thở oxy và chuyển Bệnh viện Nhi đồng TP.
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, tình trạng trẻ đuối và ngạt nước thường xuyên xảy ra, nhất là vào dịp hè. Chúng ta cần lưu ý:
- Không được chậm trễ trong cấp cứu người bị >đuối nước, thay vì tìm cách gọi xe cấp cứu, tìm cho được đầy đủ các phương tiện cấp cứu... thì phải bằng mọi cách và khả năng hiểu biết cấp cứu nạn nhân ngay.
- Không nên cố tìm cách cho nước trong phổi nạn nhân chảy hết ra ngoài bằng cách xốc nước (vác nạn nhân chạy vòng vòng cho nước chảy ra) vì như thế sẽ bỏ lỡ thời gian vàng cho việc làm hồi sức cấp cứu tim phổi mà chỉ cần chậm trễ 4 phút thôi là não có nguy cơ bị chết! Trong quá trình hồi sức cấp cứu tim phổi, nước trong phổi sẽ tự động thoát ra ngoài. Nếu là nước sông, hồ thì nước sẽ thấm vào hệ tuần hoàn rất nhanh do hiện tượng thẩm thấu (nước sông có nồng độ loãng hơn máu).
- Khi làm xoa bóp tim ngoài lồng ngực, cần chú ý không quá mạnh vì có thể làm gãy xương sườn nạn nhân, nhất là trẻ nhỏ.
Với ngạt nước, sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là những yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến sự sống còn và khả năng bị di chứng não của người bị nạn.
Phòng ngạt nước, đuối nước
Ngoài việc sơ cứu kịp thời phòng tránh đuối nước là một giải pháp tối ưu trong việc giảm thiểu hậu quả.
Khi làm xoa bóp tim ngoài lồng ngực, cần chú ý không quá mạnh vì có thể làm gãy xương sườn nạn nhân.
Đối với trẻ em
Không bơi, chơi ở những nơi gần sông, hồ… khi không có người lớn giám sát.
Những nguyên tắc an toàn khi bơi:
+ Không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn
+ Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi & cứu đuối.
+ Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa.
+ Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.
+ Phải khởi động trước khi xuống nước.
+ Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.
+ Không dùng các phao bơm hơi.
+ Không đi tắm bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi kèm.
Đối với người lớn
Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không. Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền. Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.
Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát. Cần thực hiện nghiêm túc về an toàn giao thông đường thủy như: An toàn về phương tiện, có đầy đủ phao cứu sinh, áo phao, chở đúng số người quy định.