Mới đây, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã cứu chữa cho một cô gái có ý định tự sát bằng kỹ thuật kích thích từ trường đi xuyên qua hộp sọ.
Bệnh nhân là chị Đ.N.M (20 tuổi, ở TP HCM), được người nhà đưa đến khám trong tình trạng kích động, có suy nghĩ tự sát.
Gần đây M. có các biểu hiện lạ như thường nói đến cái chết, chán nản, muốn ở một mình, không hứng thú với các hoạt động thường ngày, đồng thời còn tự làm đau bản thân để giảm cảm xúc tiêu cực.
BS.CKI Nguyễn Phương Trang (Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) thăm khám lâm sàng, thực hiện các đánh giá, chẩn đoán người bệnh bị >trầm cảm nặng. Nếu không điều trị sớm, các bộ phận khác trong cơ thể (tim, huyết áp, dạ dày…) cũng bị ảnh hưởng. Người bệnh còn mất ngủ kéo dài, không kiểm soát được cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực, dễ có hành vi làm tổn thương bản thân và người xung quanh.
Người bệnh được điều trị bằng thuốc và máy kích thích >từ trường xuyên sọ. Đây là kỹ thuật mới không xâm lấn, không gây đau. Các sóng điện từ (công suất từ 3.000 đến 8.000 ampe) xuyên sọ kích thích tế bào thần kinh và làm thay đổi chức năng điện thần kinh ở vùng não tương ứng.
Sau liệu trình đầu tiên, bệnh nhân đáp ứng tốt, giảm hơn 50%. Hiện chị M. tiếp tục liệu trình thứ 4, 5, gần như không còn triệu chứng, ngủ ngon, vui vẻ hơn.
Chúng ta từng nghe đến nhiều vụ việc trầm cảm dẫn đến những tai nạn đau lòng. Một nữ sinh 2k3 từng bị trầm cảm với thân hình gầy gò, mặt mũi nhợt nhạt vô hồn vì ám ảnh phải đạt điểm 9, điểm 10. Nhiều bà mẹ trẻ sau sinh có ý định tự sát cùng con của mình.
Dưới đây là những thói quen lành mạnh giúp ngăn ngừa trầm cảm.
Ngủ đủ giấc
Rối loạn giấc ngủ là một trong các dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Đó là khi bạn nằm trằn trọc suốt đêm, tỉnh giấc giữa đêm và không ngủ tiếp được hay mệt mỏi, thiếu năng lượng vào ngày hôm sau.
Khi cơ thể được nghỉ ngơi đúng cách, hệ miễn dịch sẽ tự chữa lành, não được nghỉ ngơi và năng lượng được lưu trữ cho ngày tiếp theo. Thiếu ngủ, mệt mỏi còn khiến bạn dễ ăn quá độ, tâm trạng trở nên cáu kỉnh.
Hãy cố gắng phát triển thói quen ngủ lành mạnh để phòng tránh các triệu chứng trầm cảm. Bên cạnh đó, việc thiết lập giờ ngủ, dậy đều đặn cũng sẽ cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ của bạn.
Tập thể dục
Tập thể dục đều đặn giúp cơ thể sản sinh endorphin – một hormone “hạnh phúc”, giúp giảm stress và xoa dịu cơn đau. Chỉ cần tập luyện 30 phút/ngày, 3-5 lần/tuần, tâm trạng của bạn sẽ được cải thiện.
Ngoài ra, việc tập trung vào chuyển động của cơ thể trong quá trình tập luyện sẽ giúp bạn bỏ qua những suy nghĩ tiêu cực. Việc đặt ra mục tiêu tập luyện và đạt được các mục tiêu đó sẽ giúp bạn thúc đẩy sự tự tin và nắm được quyền kiểm soát cuộc sống của mình.
Ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn nhiều đường và đồ chế biến, đóng hộp dễ khiến tâm trạng bạn tệ hơn. Để khắc phục, bạn hãy thường xuyên nấu ăn từ nguồn nguyên liệu tươi mới.
Thực phẩm tốt cho não bộ thường chứa nhiều axit béo và các loại axit amin. Chúng được tìm thấy nhiều trong cá, sản phẩm từ sữa, các loại đậu, ngũ cốc, dầu ô liu, trái cây tươi và các loại rau, củ…
Viết nhật ký
Viết lách là cách giải phóng cảm xúc và suy nghĩ của bản thân. Khi tâm trí có nhiều suy nghĩ rối ren, bạn hãy viết thật nhanh những gì bạn cảm thấy, nghĩ ngợi. Đây là cách hay để bạn kết nối với thế giới nội tâm của mình.
Khi có những cảm xúc cực đoan như tức giận, buồn bực, khó chịu… viết ra giấy giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên dành thời gian kết nối với người thân và bạn bè xung quanh. Thời gian một mình để nghỉ ngơi và soi chiếu lại bản thân sẽ hữu ích cho >sức khỏe tinh thần nếu nó không kéo dài quá lâu.
Khi được trao đổi năng lượng tích cực với người khác kết hợp cùng các thói quen lành mạnh hàng ngày, bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống cũng như tạo ra hệ miễn dịch tinh thần giúp ngăn ngừa bệnh trầm cảm.