Sau vài giờ đồng hồ nuốt mật cá trắm, bệnh nhân có biểu hiện buồn nôn và nôn nhưng giấu người nhà.

Thiên Bảo (t/h) 17:14 28/11/2023

Báo Tiền Phong từng chia sẻ, dù các cơ sở y tế và phương tiện truyền thông đã cảnh báo rất nhiều về những nguy hại của loại mật này, song không hiểu sao người dân vẫn "rỉ tai” nhau để nuốt> mật cá trắm. Người dân dùng >mật cá trắm như một loại “thần dược” để chữa bệnh hoặc bồi bổ cơ thể theo hình thức truyền miệng. Nhiều bệnh nhân nhập viện >ngộ độc nặng với tình trạng vô niệu, suy thận, viêm gan, suy gan …

Theo Báo Dân Trí, ngày 28/11, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin về trường hợp ngộ độc mật cá trắm nghiêm trọng, bị suy thận, phải lọc máu.

Bệnh nhân là nữ, 77 tuổi ở Thái Bình. Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết bà nghe nói nuốt mật cá trắm rất tốt cho sức khỏe, nên đã nuốt cả cái mật cá trắm được nấu chín tới.

Một trường hợp ngộ độc mật cá trắm cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Dân Trí

Sau vài giờ đồng hồ nuốt mật cá trắm, bệnh nhân có biểu hiện buồn nôn và nôn nhưng giấu người nhà.

Tuy nhiên, các triệu chứng này ngày càng nặng hơn. Sau vài ngày nôn liên tục, không đi tiểu được, bà mới nói cho con cháu. Sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. Xác định bệnh nhân suy gan, suy thận, bệnh viện tỉnh đã chuyển bệnh nhân lên Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai chia sẻ trên Báo Sức khỏe Đời sống cho biết, từ xưa người dân thường quan niệm các loại mật cá, đặc biệt cá to thường có lợi cho sức khỏe, thậm chí có thể chữa một số loại bệnh. Tuy nhiên, bên trong các loại mật cá thuộc họ cá chép như cá mè, cá trôi, cá trắm hay kể cả các loại cá tầm đều có chứa một loại độc tố nguy hiểm.

 

Tuyệt đối không được sử dụng mật cá. Ảnh: Internet

"Tên khoa học của loại độc tố này là 5α-cyprinol, đây là một hợp chất alcohol độc của mật với 5 nhóm hydroxyl trong phân tử. Độc tố này bền vững với nhiệt, giữ độc tính khi nấu chín nên kể cả khi nấu chín ăn vào vẫn sẽ gây ngộ độc.

Chất độc này gây tổn thương, gây viêm, loét đường tiêu hóa, gây đau bụng, nôn và tiêu chảy… Sau đó nhanh chóng làm tổn thương, suy thận, hoại tử ống thận, tổn thương gan gây suy gan… Nhiều bệnh nhân khi trúng độc cần phải điều trị tích cực như lọc máu và nằm viện nhiều ngày với chi phí điều trị tốn kém, nếu không nguy cơ tử vong sẽ rất cao", TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên thông tin.

Theo VTC, trong y học cổ truyền, mật cá trắm chỉ được nhắc đến với công dụng tả nhiệt, làm sáng mắt, chữa mắt sưng đỏ đau, đau họng, lở loét do nhiệt. Cách sử dụng chủ yếu là dùng ngoài (bôi ngoài da, nhỏ, ngậm) với mật đã được sấy khô và thường kết hợp với nhiều thành phần khác.

Chuyên gia khuyến cáo người dân không nên nghe lời đồn thổi nuốt mật cá trắm, tránh xảy ra tình trạng đáng tiếc.

 

 

Thiên Bảo (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe