Các ca mắc bệnh COVID-19 ở Hà Nội tăng nhanh và mạnh, từ đầu năm 2023 đến ngày 1/4, trung bình số ca nhiễm mới của thành phố từ 2-5 ca/ngày.
Thông tin từ Báo Dân Trí, báo cáo của Sở Y tế >Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến ngày 1/4, trung bình số ca nhiễm mới của thành phố từ 2-5 ca/ngày. Tuy nhiên, từ ngày 1/4 đến nay, số người nhiễm COVID-19 tăng dần. Cụ thể, trong 7 ngày qua, số ca mắc trung bình là 79 ca/ngày. Từ ngày 12/4 đến 16/4, trung bình ghi nhận 96 ca/ngày. Ngày 16/4, ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất, với 99 ca mắc.
Tính đến ngày 16/4, toàn thành phố còn 566 trường hợp đang điều trị, trong đó, có 299 trường hợp bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà (chiếm 53%); 237 trường hợp bệnh nhân có triệu chứng trung bình (chiếm 42%); 27 trường hợp bệnh nhân mức độ nặng phải thở oxy hỗ trợ qua kính/mast (chiếm 5%); 2 bệnh nhân mức độ nặng phải thở máy điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và một trường hợp đã chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Cơ quan chức năng tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn cũng thông tin số ca mắc COVID-19 và một số bệnh truyền nhiễm khác như: thủy đậu, sốt xuất huyết, tay chân miệng… có xu hướng tăng. Đặc biệt, đã ghi nhận một số ổ >dịch COVID-19, thủy đậu, tay chân miệng tại trường học.
Nguyên nhân của sự gia tăng này do thời tiết giao mùa và nhu cầu đi lại của người dân gia tăng. Qua đó, các địa phương đề xuất thành phố cấp thêm vaccine phòng COVID-19 để tiếp tục tiêm các mũi bổ sung cho người dân.
Kết quả giải trình tự gen virus tại quận Nam Từ Liêm, 2 mẫu cho kết quả chủng XBB.1.9.1, đây là chủng có ở nhiều nước như: Anh, Đức, Mỹ, Pháp, Singapore, Phillipine, với đặc điểm lan truyền nhanh và diễn biến lâm sàng nhẹ.
Theo VietNamNet, hôm qua 18/4, công văn hỏa tốc của UBND TP Hà Nội về phòng chống dịch COVID-19 được ban hành vào cuối giờ chiều yêu cầu thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký công văn hỏa tốc về việc tăng cường phòng chống dịch COVID-19. Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị chỉ đạo, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trangtheo hướng dẫn tại Quyết định số 2447 của Bộ Y tế.
Theo đó, người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi mắc COVID-19 bắt buộc phải sử dụng khẩu trang. Tất cả mọi người, trừ trẻ em dưới 5 tuổi, khi đến nơi công cộng thuộc khu vực đã được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc 4, cũng phải đeo khẩu trang. Hiện tất cả tỉnh thành ở Việt Nam vẫn đang ở cấp độ dịch 1 - màu xanh.
Tại cơ sở y tế, nơi cách ly y tế, nơi lưu trú có người cách ly hoặc giám sát y tế, tất cả phải đeo khẩu trang, trừ những người cách ly ở trong phòng đơn, người bị suy hô hấp, người đang phải thực hiện thủ thuật y tế, trẻ em dưới 5 tuổi.
Khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, quy định bắt buộc đeo khẩu trang áp dụng với hành khách; người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện; người lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, khi tiếp xúc với hành khách.
Tại nơi có không gian kín, thông khí kém (quán bar, vũ trường; karaoke; cơ sở dịch vụ xoa bóp, >làm đẹp; phòng tập thể dục, thể hình; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ; rạp chiếu phim, nhà hát, rạp xiếc, nhà thi đấu, trường quay), nhân viên phục vụ, người bán hàng, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc với khách hàng cũng phải đeo khẩu trang.
Quy định này cũng áp dụng với nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và người tham dự tại cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người, nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch.
Các trường hợp khác được khuyến khích sử dụng khẩu trang khi đến nơi công cộng.