Một loại chất có thể vitamin E acetate được xem là tác nhân gây bệnh EVALI làm tổn thương phổi.

Tiểu Ngọc (t/h) 00:21 26/05/2023

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông tin trên Báo VnExpress cho biết như trên tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về phòng chống tác hại của các sản phẩm tiêu dùng có hại >sức khỏe, do Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức. Đây là lần đầu tiên Việt Nam phát hiện vitamin E acetate trong dung dịch >thuốc lá điện tử.

Vitamin E acetate là dung dịch lỏng, quánh, được trộn với tetrahydrocannabinol (THC) làm dung dịch trong thuốc lá điện tử. Khi vitamin bị nung nóng trong thuốc lá điện tử sẽ tạo thành khí ketene độc, gây bệnh Tổn thương phổi cấp liên quan thuốc lá điện tử (e-cigarette or vaping, product use associated lung injury - EVALI).

Phim X-quang phổi bệnh nhân EVALI bị tổn thương trông như ổ bánh mì. Ảnh: VnExpress

"Đây là một bệnh lý mới chưa có phác đồ điều trị chính thức, gây tổn thương phổi mạn tính", bác sĩ Nguyên nói, thêm rằng hiện chưa phát hiện ca bệnh EVALI tại Việt Nam. Các bệnh viện đã được Bạch Mai cảnh báo để sàng lọc chẩn đoán, xét nghiệm kỹ hơn khi có bệnh nhân ngộ độc do hút thuốc lá điện tử.

EVALI được phát hiện lần đầu tại Mỹ vào năm 2019, tăng mạnh vào tháng 8 và đạt đỉnh vào tháng 9 cùng năm. Tới ngày 18/2/2020, Mỹ ghi nhận hơn 2.800 ca, trong đó 68 ca tử vong. Tuổi trung bình bệnh nhân 24, trong đó 15% số ca nhập viện dưới 18 tuổi, 37% từ 18 đến 24 tuổi.

Theo ông Nguyên, đây là bệnh nguy hiểm, tất cả bệnh nhân đều phải nhập viện với tỷ lệ 76% phải hỗ trợ thở oxy, 22% thở máy không xâm nhập, 26% đặt ống nội khí quản, một số ca phải can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể). Khi hồi phục, 25-85% bị di chứng xơ phổi với các mức độ khác nhau, rối loạn khuyếch tán kéo dài ít nhất hai tháng.

Các bệnh nhân trong độ tuổi học sinh ngộ độc thuốc lá điện tử. Ảnh: Thanh Niên

Triệu chứng của EVALI xuất hiện hàng giờ, hàng tuần trước khi nhập viện, gồm khó thở, ho, đau ngực, tiêu chảy, đau bụng, sốt, mệt. Sau đó, các chỉ số như máu lắng, bạch cầu đều tăng, ảnh chụp X-quang cho thấy phổi tổn thương trông lỗ chỗ như bánh mì hoặc như bỏng ngô.

Thông tin từ Báo Thanh Niên trước đó, vào ngày 12.4, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận 4 học sinh, gồm: V.Đ.M, C.P.T.M, N.H.N và N.C.N (cùng 15 tuổi), nhập viện trong tình mệt mỏi, khó chịu, bủn rủn chân tay.

Theo lời kể 4 bệnh nhân, trước khi nhập viện viện một giờ, 4 học sinh có sử dụng thuốc lá điện tử (chưa rõ loại và chưa rõ nguồn gốc ), sau sử dụng xuất hiện cảm giác choáng váng, khó chịu toàn thân, bủn rủn, run tay chân, tức ngực, khó thở, buồn nôn, nôn số lượng nhiều.

Sau khi vào viện, 4 bệnh nhân đã được các bác sĩ cấp cứu và xử trí truyền dịch theo phác đồ và tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Thận lọc máu.

Theo bác sĩ Trần Thị Hồng Ngân, khoa Thận lọc máu, thuốc lá điện tử là các sản phẩm cung cấp nicotine điện tử, có cấu tạo bao gồm bộ phận pin, sạc, bộ phận gia nhiệt, dẫn dòng khí; bộ phận chứa ống đựng dung dịch điện tử. Dung dịch này thường chứa nicotine, chất tạo hương, propylene glycol và glycerin thực vật.

Thông thường thành phần chính trong thuốc lá điện tử là chất nicotine. Đây là chất có khả năng gây nghiện cao, làm cho người sử dụng trở nên phụ thuộc vào các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này. Ngoài ra, việc sử dụng chúng có thể dẫn đến hoặc duy trì việc sử dụng các sản phẩm có chứa nicotine khác, bao gồm cả thuốc lá, cũng như tăng nguy cơ sử dụng rượu, ma túy và các chất gây nghiện khác.

Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử tăng 18 lần trong 5 năm, theo dữ liệu của Bộ Y tế. Năm 2020, nghiên cứu cho thấy 3,6% người trưởng thành tại Việt Nam hút thuốc lá điện tử, trong khi năm 2015 chỉ 0,2%. Tỷ lệ người hút là nam tăng từ 0,4% lên 5,6%, còn nữ tăng từ 0,1% lên 1%.

Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam cũng tăng nhanh chóng. Năm 2020, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung ở nhóm 15-24 tuổi với tỷ lệ 7,3%, trong khi nhóm 25-44 tuổi là 3,2%, còn nhóm 45-64 tuổi chỉ 1,4%. Cũng năm này, nghiên cứu về sức khỏe thanh thiếu niên tuổi 13-17 của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử chiếm 2,6%.Các bộ Tài chính, Y tế đang phối hợp đề xuất cấm thuốc lá điện tử tại Việt Nam, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này và đồ uống giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam.

Tiểu Ngọc (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe