Sau 3 ngày tiêm filler, chị bị sốt liên tục và cảm thấy đau nhức, khó chịu. Nhận thấy mũi có dấu hiệu sưng mủ, chị đã quay lại spa để xử lý nhưng tình trạng không thuyên giảm.
Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, mới đây, khoa thẩm mỹ Bệnh viện Da liễu Hà Nội vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, sưng đỏ, mọc mụn mủ ở mũi sau khi tiêm filler được vài ngày.
Chị A. cho hay một người quen mới khai trương spa tại Hà Nội nên đã đến ủng hộ. Chị A. lựa chọn dịch vụ nâng mũi bằng filler, sau đó nhân viên tại đây đã tiêm 2cc filler vào mũi với mức giá 3 triệu đồng.
Sau 3 ngày tiêm, chị bị sốt liên tục và cảm thấy đau nhức, khó chịu. Nhận thấy mũi có dấu hiệu sưng mủ, chị đã quay lại spa để xử lý nhưng tình trạng không thuyên giảm.
"Với mong muốn mũi cao một cách tự nhiên nên tôi nghĩ rằng không cần phải làm phẫu thuật, chỉ cần tiêm một chút filler là được nên đã không tìm hiểu kỹ. Trong quá trình tiêm, tôi không có cảm giác đau mà còn thấy rất nhẹ nhàng và nhanh chóng", chị A. chia sẻ.
Sau 4 ngày không thấy tình trạng mũi cải thiện, luôn đau buốt, sưng nóng, lúc này chị mới đến Bệnh viện Da liễu Hà Nội để khám.
Bác sĩ Tạ Hà Phương - khoa thẩm mỹ Bệnh viện Da liễu Hà Nội - cho biết tại thời điểm nhập viện, mũi của bệnh nhân bắt đầu hoại tử khá nghiêm trọng, mọc mụn mủ thâm tím... Các bác sĩ đã phải phẫu thuật cắt bỏ phần bị tai biến, nhiễm trùng để tránh vết thương lan rộng.
"Với trường hợp bệnh nhân này, sau khi điều trị sẽ mất thêm nhiều thời gian để hồi phục và còn để lại sẹo xấu, mất thẩm mỹ.
Nguyên nhân chính khiến bệnh nhân bị> hoại tử mũi là do tay nghề của người thực hiện chưa được kiểm chứng, kỹ thuật tiêm chưa đúng. Bên cạnh đó, có thể do >tiêm filler kém chất lượng, không đảm bảo", bác sĩ Phương thông tin.
Dẫn tin từ VOV, TS.BS Vũ Thái Hà - Trưởng khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương) đưa ra lời khuyên đối với những người đang có ý định >làm đẹp bằng phương pháp nhanh như tiêm filler, botox... đó là trước khi lựa chọn can thiệp bất cứ thủ thuật hay phẫu thuật nào trên cơ thể, chúng ta cần tìm hiểu kỹ thủ thuật, phẫu thuật đó có thực sự phù hợp, có cần thiết với mình hay không? Cần tìm hiểu can thiệp nó có lợi ích cũng như có thể có những biến chứng gì? Và quan trọng nhất là cần lựa chọn những cơ sở chuyên khoa được cấp phép, các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được phép tiêm filler, lựa chọn những loại filler đảm bảo chất lượng đã được cấp phép. Tránh chạy theo quảng cáo mà không tìm hiểu ngọn nguồn để rồi tiền mất tật mang.
Bác sĩ Hà nhấn mạnh, các cơ sở được cấp phép không thể là các spa >chăm sóc da hay các cơ sở cắt tóc gội đầu…mà phải là các phòng khám da liễu hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Các cơ sở phải có biển niêm yết ghi rõ là Phòng khám chuyên khoa, có niêm yết tên cũng như số giấy phép hành nghề của bác sĩ phụ trách.
Với những bệnh nhân mới tiêm filler có những biểu hiện của các biến chứng sớm của tắc mạch như mất thị lực, đột quỵ hay yếu nửa người, hoại tử, nhiễm trùng vùng tiêm, thường liên quan đến kỹ thuật tiêm cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý cấp cứu kịp thời.