Cách đây 2 tháng, bệnh nhân thấy bạn bè xung quanh được một người quen tiêm filler (chất làm đầy) dạo để sửa mũi, nên có nhờ người này về nhà làm đẹp.
Theo thông tin từ Dân Trí, vừa qua các bác sĩ tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM đã tiếp nhận điều trị một trường hợp bị biến chứng thẩm mỹ nặng.
Bệnh nhân là bà L. (56 tuổi, ngụ TPHCM) nhập viện trong tình trạng đau nhức vùng sống mũi, tấy đỏ. Khai thác bệnh sử, cách đây 2 tháng, bệnh nhân thấy bạn bè xung quanh được một người quen tiêm filler (chất làm đầy) dạo để sửa mũi, nên có nhờ người này về nhà >làm đẹp.
Khoảng 1 tháng sau, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện tình trạng biến dạng, đau và sưng bầm mũi. Khi nghe thông báo sự việc, người tiêm filler dạo đã cho bệnh nhân dùng "thuốc giải", tuy nhiên tình trạng không cải thiện mà ngày một nặng nề hơn.
Mãi đến cuối tháng 8, bệnh nhân không còn chịu nổi nên vào bệnh viện cầu cứu. Lúc này, người đi làm thẩm mỹ dạo cũng mất tích, số điện thoại không còn liên lạc được.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM chia sẻ, thời điểm vào viện, bệnh nhân đã bị sưng đau và biến dạng vùng tiêm chất làm đầy, phía dưới da có khối cứng.
Ekip điều trị đã tiến hành phẫu thuật để lấy chất "lạ" len lỏi trong mũi bệnh nhân. Quá trình mổ, bác sĩ phát hiện thứ được tiêm vào vùng mặt người bệnh có đặc điểm giống với silicon lỏng.
"Silicon lỏng đã ngấm sâu vào mô dưới da mũi bệnh nhân, nên phải cắt hết các mô để lấy ra (bao gồm những mô lành). Hiện tại, chúng tôi chỉ có thể mổ lấy một phần silicon ở vài vị trí, sau đó cho bệnh nhân dùng kháng viêm, kháng sinh, về nhà theo dõi và hẹn tái khám.
Nếu các vùng còn lại tiếp tục gây biến chứng, bệnh nhân buộc phải chấp nhận cắt sạch mô ngấm silicon, khiến mũi bị khuyết hổng một vùng lớn, sau đó sẽ lên phương án tạo hình lại", bác sĩ điều trị nói.
Theo bác sĩ Tuấn, silicon lỏng đã bị Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấm sử dụng hơn 30 năm nay.
Do đó, nhiều người làm thẩm mỹ dạo hay các spa trôi nổi cố tình quảng cáo mập mờ, sai sự thật, từ tiêm silicon thành "tiêm filler" hay "tiêm HA" để người dân tin tưởng, cũng như né tránh cơ quan chức năng.
Nếu >tiêm silicon lỏng hoặc kể cả tiêm filler sai kỹ thuật, bệnh nhân có thể bị đau nhức, nhiễm trùng, biến dạng vùng tiêm, ảnh hưởng xấu về mặt thẩm mỹ. Nặng nhất là các trường hợp bị tắc động mạch võng mạch sau tiêm, dẫn đến mù mắt.
Dẫn tin từ VnExpress, Filler được sử dụng trong dịch vụ thẩm mỹ ngày càng nhiều, chiếm ưu thế so với các phương pháp làm đẹp khác nhờ kỹ thuật khá đơn giản, ít đau, hiệu quả tức thì và kéo dài, không phải trải qua phẫu thuật. Tuy nhiên, filler tiềm ẩn nhiều nguy cơ, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho >sức khỏe, tổn thương tàn phế vĩnh viễn một số chức năng cơ thể và có thể tử vong nếu người thực hiện kỹ thuật tiêm không tuân thủ nguyên tắc chuyên môn hoặc chưa qua đào tạo. Kỹ thuật này đòi hỏi cần được thực hiện bởi các bác sĩ đào tạo bài bản tại cơ sở thẩm mỹ có trang thiết bị y tế đảm bảo vô trùng.