Ngày 12/3, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đơn vị đang điều trị cho một ca bệnh sốt rét ngoại lai từ Angola trở về Việt Nam.
Theo đó, bệnh nhân đang được điều trị là chị Đ.T.T. (SN 1992, quê Quảng Ninh) đang mang thai 19 tuần tuổi. Chị T. chưa từng mắc >sốt rét trước đây và từng có thời gian sinh sống, làm việc tại Angola. Ngày 2/3, chị T. rời Angola về Việt Nam, có mặt tại TPHCM ngày 3/3. Ngày 4/3 thì bay về >Huế thăm chồng đang công tác tại đây.
Ngày 9/3, chị T. đến khám tại Bệnh viện Trung ương Huế với bệnh lý sốt từng cơn, vàng da, ăn uống kém và nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng, mệt, tụt huyết áp. Ngay sau khi được hội chẩn và kiểm tra thai nhi, người bệnh được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục theo dõi. Kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân dương tính với ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp làm test chẩn đoán nhanh và lấy máu soi lam. Kết quả test nhanh cũng chẩn đoán dương tính với Plasmodium falciparum.
Bệnh nhân đã được cấp và điều trị thuốc sốt rét ngày đầu tiên, tiếp tục được điều trị và theo dõi những ngày tiếp theo. Sau gần 3 ngày điều trị thì có tiến triển, tỉnh táo, tiếp xúc tốt nhưng tình trạng còn nặng.
Theo CDC tỉnh Thừa Thiên Huế, việc công bố loại trừ sốt rét không phải là không còn bệnh sốt rét mà vẫn có thể gặp nhiều trường hợp sốt rét ngoại lai từ người dân bi biến động, đi làm ăn xa. Các cơ sở y tế, người dân cần nâng cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan. Các đơn vị y tế khi thu dung bệnh nhân điều trị sốt rét cần báo cáo kịp thời và khai thác yếu tố dịch tễ sốt rét nhằm phát hiện sớm, điều trị đúng, hướng dẫn điều trị tiệt căn.