Tổ chức Y tế thế giới đã ban bố lệnh không còn khẩn cấp với COVID-19. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số ca mắc và số người tử vong nhắc nhở việc chúng ta không thể chủ quan.
Theo thông tin từ Báo Tuổi Trẻ, ngày 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, song cảnh báo căn bệnh này sẽ không bao giờ biến mất.
WHO cũng đưa ra những khuyến cáo đối với các quốc gia trong việc duy trì các biện pháp phòng chống dịch. Đặc biệt, đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh để chuyển sang cách quản lý COVID-19 bền vững.
Theo các chuyên gia, hiện các ca COVID-19 là người cao tuổi không xác định chính xác nguồn lây. Tuy nhiên, khả năng cao là người bệnh có thể tiếp xúc với mầm bệnh từ các thành viên trong gia đình.
Các thành viên gia đình có thể mắc bệnh khi tiếp xúc với mầm bệnh lúc đi làm, đi học nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chỉ nghĩ là cảm, sốt, sổ mũi thông thường.
Đồng thời do đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã từng mắc bệnh nên cơ thể có kháng thể cao, nhiễm bệnh nhưng thể bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng và lại làm lây tiếp sang nhóm dễ biến chứng trong gia đình.
Theo Báo CAND, tin từ Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày nước ta ghi nhận 2.000 ca COVID- 19 mới, trong tuần qua có 5 ca tử vong, mặc dù tỷ lệ tử vong hiện đã giảm xuống rất thấp so với giai đoạn bùng phát mạnh trước đây, song vẫn cao hơn các bệnh truyền nhiễm khác, vẫn gây gánh nặng cho hệ thống y tế.
Hiện nay, tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã giảm đi rất thấp so với trước đây vào giai đoạn bùng phát mạnh năm 2021.
Mặc dù vậy, tỷ lệ tử vong do COVID-19 hiện nay ở mức 0,37%, vẫn cao hơn nhiều so với những bệnh truyền nhiễm khác, như sốt xuất huyết tỉ lệ tử vong ở Việt Nam khoảng 0,09%. Chính vì vậy, Việt Nam không thể chủ quan và vẫn luôn phải sẵn sàng ứng phó, sẵn sàng để nâng cao năng lực chuyên môn cũng như có kế hoạch, phương án để linh hoạt, chuyển đổi đáp ứng điều trị khi cần thiết. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chuẩn bị kế hoạch, phương án sẵn sàng quay trở lại với tình huống dịch bệnh bùng phát.
Ông Phan Trọng Lân thông tin trên Báo CAND cho biết thêm, đến nay, ngay cả trong cuộc họp của WHO ngày 5/5, câu hỏi bao giờ đại dịch kết thúc vẫn chưa rõ ràng. Vì thế đối với Việt Nam, Cục Y tế dự phòng sẽ cùng các chuyên gia cập nhật, tham mưu cho Bộ Y tế, cho Chính phủ đưa ra các biện pháp linh hoạt, phù hợp mới mức độ, diễn biến tình hình dịch, đảm bảo >sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết.
Thời điểm hiện nay, theo chuyên gia, cũng chưa thể chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Bởi COVID-19 tính chưa ổn định, khó lường, dù có giảm các biện pháp phòng, chống nhưng về miễn dịch suy giảm theo thời gian, trong khi biến thể phụ thường xuyên xuất hiện, dịch xuất hiện làn sóng mới. Như vậy, biện pháp áp dụng phải trải từ hành chính xã hội cho đến biện pháp về chuyên môn, kỹ thuật. Trong phân loại, bệnh truyền nhiễm nhóm A thiên về các biện pháp hành chính xã hội và đảm bảo nguồn lực. “Tuy nhiên tôi nhấn mạnh dù là nhóm bệnh nào thì việc phối hợp thực hiện hài hoà, linh hoạt để khi áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch có thể triển khai nhanh chóng, phù hợp với tình huống dịch, tránh được lãng phí mới là quan trọng”, ông Lân cho biết.
Theo khuyến cáo của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thời gian tới vẫn cần duy trì thực hiện 2K, vaccine, thuốc điều trị, công nghệ và ý thức người dân trong việc phòng, chống COVID-19 lâu dài.
Khi có triệu chứng hô hấp (sốt, ho, sổ mũi...) nên test nhanh để tầm soát và biết tự cách ly với mọi người, nhất là người cao tuổi, có bệnh nền.